Báo Tuyên Quang điện tử
.

Đền đáp phần nào ơn nghĩa sâu nặng đối với người có công

10:00, 26/07/2025

Từ một tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn, Tuyên Quang đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, triển khai mạnh mẽ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Qua rà soát, toàn tỉnh có hơn 15.800 hộ cần hỗ trợ, trong đó 1.065 căn là của người có công với cách mạng. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ số nhà cho người có công trước ngày 27/7/2025.


Báo và phát thanh, truyền hình Tuyên Quang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang về quyết tâm chính trị và cách làm riêng, đầy nhân văn của tỉnh trong hành trình này.

Phóng viênThưa đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, xin đồng chí chia sẻ vì sao việc xóa nhà tạm lại được tỉnh xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm sau sáp nhập và tỉnh đã có cách làm như thế nào để thực hiện hiệu quả Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động, nhất là xóa nhà tạm cho người có công?


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hầu A LềnhTrước hết là nhận thức từ mục đích ý nghĩa của phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động về việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng ở trên địa bàn toàn quốc, trong đó có tỉnh Tuyên Quang. Trong các trường hợp được xóa nhà tạm, nhà dột nát thì gia đình những người có công được ưu tiên thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm cao nhất để hoàn xóa nhà tạm, nhà dột nát theo kế hoạch. Từ cấp tỉnh đến cấp xã đều thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng kế hoạch rất cụ thể để phân công các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời, tổ chức chỉ đạo rà soát các đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn, với quyết tâm xóa nhà tạm cho gia đình người có công là ưu tiên số một. Từ đó, các xã trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang cũ và nay là tỉnh Tuyên Quang sau hợp nhất đã khẩn chương triển khai thực hiện.


Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, mỗi địa phương trong tỉnh tiếp tục vận động hỗ trợ thêm và tổ chức khởi công thực hiện ngay trong tháng 1/2025. Tính đến hết ngày 19/5 toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm cho gia đình người có công và quyết tâm phấn đấu đến ngày 27/07 hoàn thành 100% xóa nhà tạm cho người có công.

Phóng viênThưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy xin đồng chí có thể chia sẻ quyết tâm chính trị và cách làm riêng của tỉnh Tuyên Quang trong xóa nhà tạm cho người có công?.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hầu A LềnhBắt tay vào thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Tỉnh đã thực hiện theo phương châm: Tỉnh lấy xã làm cơ sở và xã lấy thôn làm cơ sở và thôn lấy hộ từng hộ gia đình làm cơ sở. Từ đó, xây dựng kế hoạch, huy động lực lượng tại chỗ, hỗ trợ mỗi hộ gia đình xóa nhà tạm từ việc san gạt mặt bằng, vận chuyển vật liệu… Cùng với đó, huy động thêm các nguồn hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm; động viên các gia đình, anh em, dòng họ huy động nguồn lực tự có của gia đình để các hộ gia đình được xóa nhà tạm khởi công ngay từ đầu năm 2025 và hoàn thành sớm.

Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, xin đồng chí có thể chia sẻ cảm xúc của mình sau khi trực tiếp chứng kiến niềm hạnh phúc của các hộ gia đình, người có công được hưởng thành quả của chương trình?


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hầu A LềnhMỗi ngôi nhà sau khi hoàn thành, không phải chỉ mỗi thành viên trong gia đình được hỗ trợ xúc động mà chúng tôi cũng rất xúc động. Tôi được vinh dự tham gia Lễ phát động của Thủ tướng Chính phủ tại Hòa Bình và đây cũng là một hoạt động hết sức ý nghĩa. Ngay sau đó, tôi cũng đã trực tiếp tham gia trong Ban Chỉ đạo của Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát. Khi được điều động về công tác tại Tuyên Quang, khi mỗi ngôi nhà của người dân hoàn thành, chúng tôi có phân công các đồng chí trong Thường trực Ban Chỉ đạo trực tiếp đến động viên, chung vui và gắn biển hoàn thành cho từng gia đình; trong đó có các gia đình của các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân Liệt sĩ và gia đình người có công.

Ấn tượng nhất của tôi là sự vui mừng, phấn khởi của người dân khi nhận được nhà mới. Dù là nhà làm mới hay là nhà sửa chữa, người dân đều rất hào hứng, phấn khởi và cảm ơn Đảng, Nhà nước. Khi chúng tôi trao cho người dân lá cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ thì người dân treo ngay ảnh Bác Hồ lên vị trí rất trang trọng trong ngôi nhà và ngay cạnh bàn thờ tổ tiên của mình. Việc treo ngay lá cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ như vậy thể hiện một tấm lòng của người dân tin Đảng, tin Nhà nước và tin cấp ủy, chính quyền địa phương. Lúc đó chúng tôi có cảm giác giống như là ngôi nhà của mình chứ không phải là ngôi nhà của một người dân. Đó là những hình ảnh, khoảnh khắc rất xúc động trong quá trình thực hiện chủ trương này của Đảng, Nhà nước ta.

Phóng viênThưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí cho biết những bài học kinh nghiệm được rút ra để làm sao huy động được sức mạnh của cộng đồng để triển khai các chương trình tiếp theo?


Bí thư Tỉnh ủy Tuyên QuangChúng tôi cho rằng sau thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Tuyên Quang có rất nhiều bài học kinh nghiệm rút ra. Trong đó, có một bài học kinh nghiệm quý giá, đó là: Bài học kinh nghiệm về huy động lòng dân, sức dân, sự đồng thuận vào cuộc tích cực của Nhân dân. Theo đó, việc đầu tiên là chúng ta lựa chọn những công việc phù hợp với mong muốn, nguyện vọng, ước nguyện của người dân lâu nay. Thứ hai, từ chủ chương và mong muốn của dân phải tổ chức lực lượng hết sức chặt chẽ, có lãnh đạo của cấp ủy các cấp, sự điều hành của chính quyền các cấp và phải huy động được sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bao gồm cả các lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của người dân.

Nếu không có sự vào cuộc của người dân thì chắc chắn mọi chương trình sẽ không hoàn thành, bởi người dân là chủ thể, là đối tượng được thụ hưởng nên khi người dân không thấu hiểu, không hợp tác, không ủng hộ, không tham gia cùng thì rất khó hoàn thành. Ngay từ những công việc như san, gạt nền nhà cũng là người dân, chọn ngày dựng nhà cũng là người dân và khi hoàn thành có nhận nhà hay không cũng là người dân.

Cho nên bài học về lòng dân, sự đồng thuận của Nhân dân là vô cùng quan trọng, kết hợp với sự chỉ đạo sát sao, phân công nhiệm vụ rõ ràng và sự vào cuộc phối hợp giữa các lực lượng cũng rất là quan trọng. Đây là bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chương trình rút ra và tôi tin rằng tất cả các công việc, chương trình đều làm theo phương pháp này thì chắc chắn mọi việc sẽ hoàn thành.

Phóng viênXin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!

Thực hiện: Ngọc Hưng – Đình Anh

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp