Pác Hóp in dấu chân Người

- Thôn Pác Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) là nơi Bác Hồ đã dừng chân nghỉ qua đêm trên đường đi công tác từ xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa đến huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn phổ biến Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951). Pác Hóp hôm nay rợp màu xanh của các đồi keo, đồi mỡ, con đường bê tông trải rộng, những mái nhà sàn truyền thống đã được xây dựng, sửa sang kiên cố... tất cả cho thấy sự no ấm của vùng quê này.

Chúng tôi gặp ông Đinh Văn Đoán, thôn Pác Hóp, xã Linh Phú, cháu ngoại bà Triệu Thị Tính, người vinh dự từng được gặp Bác trong chuyến dừng chân tại đây. Ông Đoán được bà kể lại rằng, trong một buổi tối Bác và mấy đồng chí vào nhà xin nghỉ chân, lúc đó gia đình không biết đó là Bác Hồ, chỉ nghe các đồng chí giới thiệu họ làm cách mạng, không phải người xấu, gia đình đừng sợ. Trong bữa cơm, Bác còn dặn dò chia đồ ăn cho mọi người trong đoàn. Câu chuyện kể về Bác cùng đức tính giản dị, khiêm nhường cứ truyền lại tiếp nối cho thế hệ con cháu trong gia đình.

Khu vườn rừng của gia đình ông Hà Ngọc Thuyền, thôn Pác Hóp.

Bà Hứa Thị Thăng, Trưởng thôn Pác Hóp, xã Linh Phú cho biết, thôn có 117 hộ, chiếm 98% dân số là người dân tộc Tày, Mông, Pà Thẻn. Bà con các dân tộc thôn Pác Hóp rất vinh dự và tự hào là một trong những địa phương in dấu chân Người. Niềm tự hào đó đã thôi thúc nhân dân trong thôn ra sức phấn đấu lao động, sản xuất, học tập, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Pác Hóp có đặc thù chủ yếu đồi núi dốc. Phát huy tiềm năng, thế mạnh, địa phương vận động bà con phát triển kinh tế rừng, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp thổ nhưỡng như trồng cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, sinh sản. Hiện thôn có tổng gần 100ha rừng trồng. Đây là thôn có diện tích rừng trồng cao nhất, nhì xã Linh Phú.

Gia đình chị Hứa Thị Lụa, thôn Pác Hóp là một trong số hộ có diện tích rừng trồng cao nhất nhì của thôn. Chị Lụa cho biết, gia đình chị có gần 10 ha rừng gồm keo và mỡ. Gia đình chị trồng theo hình thức gối nhau, bình quân 2 đến 3 năm lại có doanh thu từ bán cây. Năm 2021, gia đình vừa bán một đồi cây được hơn 70 triệu đồng, hiện còn một đồi chuẩn bị được khai thác. Ngoài trồng cây lâm nghiệp, anh chị chăn nuôi trâu sinh sản, nuôi gà, nuôi lợn thịt. Bình quân mỗi năm có doanh thu trên 100 triệu đồng. Trang trại cây ăn quả của ông Hà Ngọc Thuyền rộng trên 5ha có ngót 1.000 cây ăn quả các loại, như: cam, bưởi, quýt, mít, thanh long, chanh, táo, cây trám… Dưới khe trũng, ông Thuyền đào ao rộng hơn 2.000m2 vừa tích nước vừa để tưới cây, vừa chăn nuôi cá thương phẩm; diện tích đất đồi cao ông trồng mỡ, trồng xoan... Các mô hình kinh tế này đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước đưa kinh tế các gia đình phát triển bền vững.

Song song với tập trung phát triển kinh tế, xóa nghèo, làm giàu chính đáng, bà con nhân dân thôn Pác Hóp tích cực hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Trong năm 2021, người dân trong thôn đã tự nguyện chặt cây cối, thu dọn hoa màu, giải phóng hơn 6.000m2 đất vườn, đất ruộng để Nhà nước xây dựng 2 tuyến đường liên xã, nội đồng. Ngoài ra, nhân dân trong thôn góp công, góp của bê tông hóa được 230m đường ngõ xóm. Hiện, nhà văn hóa thôn đã xây dựng to đẹp, các tuyến đường ngõ xóm cơ bản cứng hóa, thôn bản ngày một khởi sắc khang trang.

Tự hào là nơi in dấu chân Người, những người con Pác Hóp luôn khắc ghi lời dạy của Người, đã và đang nguyện chung sức đồng lòng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, xây dựng thôn xóm ngày một giàu đẹp. Với những nỗ lực, cố gắng, tin tưởng rằng không xa nữa, Pác Hóp sẽ có một diện mạo mới, ngày càng phát triển. 

Bài, ảnh: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục