Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi

Sáng 2/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau gần 1 năm kiện toàn Chính phủ mới, đây là lần thứ hai, chúng ta tổ chức họp về thúc đẩy, xem xét các quy hoạch theo Luật Quy hoạch được ban hành. Kể từ cuộc họp trước đến nay, chúng ta đã làm một số việc, tuy nhiên, tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch vẫn còn chậm so yêu cầu.

Theo báo cáo tổng hợp, đến giờ này mới lập được gần 10% quy hoạch cần phải lập trong hệ thống toàn quốc. Tiến độ này là rất chậm so yêu cầu, quy định của luật pháp. Hội nghị này chúng ta cần đánh giá thực trạng những việc làm được, chưa làm được, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, trên cơ sở đó có định hướng công tác sắp tới để thúc đẩy nhanh hơn, bảo đảm chất lượng. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của các khu vực, lĩnh vực cần quy hoạch. Chúng ta cũng phải chỉ ra được mâu thuẫn, thách thức, khó khăn để có những giải pháp thúc đẩy phát triển dựa vào quy hoạch.

Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá thực trạng, trao đổi, lấy ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục rà soát, đánh giá những vướng mắc, những cái chưa được có các nguyên nhân liên quan đến thể chế, quy định hay không để chúng ta tiếp tục điều chỉnh, bổ sung.

 

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Chính phủ.

Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã có rà soát một bước; những gì vướng mắc thì chúng ta đang tìm cách tháo gỡ. Thủ tướng yêu cầu phải phân tích, mổ xẻ thực tế đang vướng mắc gì, tại sao công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch lại chậm như thế để trên cơ sở đó, chúng ta tìm ra các giải pháp sát thực tế, khả thi, tiếp tục thúc đẩy công tác này theo đúng tinh thần Luật Quy hoạch đã quy định; phải tiếp tục rà soát lộ trình, bước đi. Phải có quy hoạch mới triển khai đồng bộ, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng ngành, địa phương, chỉ ra mâu thuẫn, khó khăn, thách thức để tháo gỡ. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định tại Luật Quy hoạch, là cơ sở để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia trên địa bàn cả nước. Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng như trên, trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia cần thiết được Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và thông qua những định hướng lớn như quan điểm, mục tiêu, các định hướng phát triển và tổ chức không gian đất nước, các ngành, lĩnh vực... trước khi triển khai các bước tiếp theo của quy trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Với mục tiêu như trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức xây dựng Báo cáo Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo sơ bộ các hợp phần để tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia; đã tổ chức các hội thảo xin ý kiến các chuyên gia quy hoạch, nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương, một số tổ chức quốc tế.

 

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo.

Bộ đã chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Báo cáo theo ý kiến góp ý bằng văn bản của các bộ, ngành Trung ương (2 lần) và các địa phương. Trong quá trình xây dựng Báo cáo, Bộ đã tham khảo kinh nghiệm về lập quy hoạch không gian của các nước, tập trung vào một số quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc.

Về kết quả đạt được chủ yếu trong tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn 2011-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, phát triển vùng đã có bước chuyển biến, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, khu vực; tăng cường liên kết, nhiều công trình hạ tầng kết nối vùng được hoàn thành; hình thành nhiều vùng kinh tế lớn có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước.

Bước đầu đã hình thành các hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, nhất là các hành lang gắn với các đô thị lớn. Không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, nhất là các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; các địa bàn tập trung công nghiệp, hệ thống các khu, cụm công nghiệp; các vùng trọng điểm phát triển du lịch.

Hệ thống kết cầu hạ tầng kinh tế được tập trung đầu tư xây dựng, phân bố trên các vùng, tạo diện mạo mới cho đất nước, nhất là các hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, thông tin và truyền thông... Nhiều công trình hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao... quan trọng quốc gia, quy mô vùng được quan tâm đầu tư và phân bổ trên các vùng. Các khu vực cần bảo tồn (vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển, ven biển...) được bảo vệ, mở rộng, tăng đa dạng sinh học...

Mục tiêu tổng quát của công tác này là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cầu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh...

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục