Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội

- Sáng  21-10, tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ về tình hình phát triển khinh tế - xã hội năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cùng dự phiên thảo luận tổ, có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Quang cảnh phiên họp tổ.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản đồng tình với nội dung các báo cáo do Chính phủ trình kỳ họp, các báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, phản ánh đúng tình hình thực tiễn, làm rõ ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, xác định được mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho năm tới... Đồng thời, kiến nghị để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng 8%, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa khả năng đảm bảo Vắc - xin, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng cho người dân, để đảm bảo an toàn; tập trung chỉ đạo giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021 tối thiểu đạt 90% kế hoạch; nghiên cứu đưa ra các gói kích cầu hỗ trợ lãi suất vay cho các doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh và đầu tư hạ tầng quan trọng thiết yếu.

Về tình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực cho nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã đáp ứng được khả năng chống dịch trong dài hạn; ưu tiên nguồn lực phát triển hệ thống đường cao tốc, tạo điều kiện phát triển cho các tỉnh. Đồng thời, phát triển hạ tầng giao thông, kết nối vùng, miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền làm rõ hơn về nội hàm mục tiêu “kép” để các cấp chính quyền hiểu rõ hơn. Đề nghị Chính phủ đôn đốc Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan khẩn trương rà soát khó khăn, vướng mắc kịp thời ban hành, sửa đổi bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ người dân doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19. Các ngành chức năng sớm có biện pháp rà soát lại việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, có quan điểm chỉ đạo thống nhất, không làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, và tránh tình trạng bức xúc hoài nghi của người dân về lạm dụng, trục lợi trong mua sắm vật tư y tế. Chính phủ xem xét cơ chế đãi ngộ hợp lý đội ngũ cán bộ y tế trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà cho rằng tác động của dịch bệnh Covid -19 khiến nhiều lao động mất việc làm, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, nhiều người lao động từ các thành phố về quê. Do đó, việc đảm bảo các chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Đại biểu mong muốn Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo sinh kế cho người dân. Cần xây dựng kịch bản và các giải pháp ứng phó với hệ lụy từ làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn; phương án giải quyết việc làm cho người lao động trở về địa phương. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khủng hoảng do đại dịch. Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn đối với việc dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 sẽ không đảm bảo chất lượng dạy và học hiện nay.

Đại biểu Âu Thị Mai cho rằng, đến thời điểm này công tác phòng, chống dịch cơ bản được kiểm soát. Đại biểu bày tỏ đồng tình trước những đánh giá của Chính phủ về công tác phòng chống đại dịch, nhất là những tồn tại, hạn chế đã được Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận. Đại biểu nhấn mạnh, qua đại dịch cho thấy hệ thống y tế còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu khi có dịch bệnh xảy ra. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống y tế cơ sở để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa dịch bệnh.

Ngoài ra, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Chính phủ có thêm các giải pháp về bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, viên chức và thực hiện hợp đồng đối với một số đối tượng viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong phiên họp tổ, đại biểu các sở, ngành cũng thảo luận, phân tích về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024; công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, tiêm phòng cho nhân dân trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác lao động, việc làm…

Tin, ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục