Hà Tuyên – Những năm tháng tự hào

Video không hợp lệ
- Tuyên Quang và Hà Giang, vùng đất thân thương, "là phên dậu của trung châu, là nơi địa đầu quan yếu”, đã gắn bó chặt chẽ với nhau và có nhiều đóng góp quan trọng, được lịch sử Việt Nam ghi nhận. Dù đã chia tách 30 năm, nhưng truyền thống đoàn kết, thuỷ chung vẫn mãi là niềm tin, giá trị to lớn để hai tỉnh vững vàng trên con đường xây dựng và phát triển.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Hội thảo khoa học
"Hà Giang 130 năm thành lập tỉnh (20/8/1891 - 20/8/2021), 30 năm tái lập tỉnh (1/10/1991 - 1/10/2021)
và 60 năm thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn (26/3/1961 - 26/3/2021)".

Ngày 27/2/1975, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá V đã ban hành Nghị quyết về việc hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành một tỉnh mới lấy tên là Hà Tuyên để đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tỉnh Hà Tuyên có trên 270 km đường biên giới với Trung Quốc, diện tích tự nhiên trên 13 nghìn km2, dân số trên 700 nghìn người với hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tỉnh có 13 huyện, thị xã, 7 thị trấn và 290 xã.

Trong những năm đầu của thời kỳ hợp nhất Hà Tuyên, đất nước ta mới bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đời sống kinh tế - xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, kiên cường, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, quyết tâm vượt qua khó khăn, vừa phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa tập trung bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

Một góc thành phố Hà Giang.

Từ năm 1979 đến năm 1988, Hà Tuyên là một trong những tỉnh biên giới phải trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh, bảo vệ biên giới phía Bắc dai dẳng và khốc liệt. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ và nhân dân Hà Tuyên đã tập trung cao nhất sức người, sức của cho cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Sau thời gian chiến đấu kiên cường, chống quân xâm lược từ phía bên kia biên giới, các lực lượng vũ trang của tỉnh đã đánh 61 trận, tiêu diệt hàng nghìn tên địch, phá huỷ nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh; hàng nghìn người con Hà Tuyên đã hy sinh để bảo vệ biên giới lãnh thổ của Tổ quốc.

Trong giai đoạn này, thực hiện đường lối đổi mới tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, với việc thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Tuyên đã phát huy truyền thống đoàn kết, ra sức khắc phục khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, từng bước đổi mới nếp nghĩ, cách làm, giải quyết thành công những vấn đề kinh tế cấp bách. Các hoạt động kinh tế của tỉnh bước đầu chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường. Những đóng góp của tỉnh Hà Tuyên đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường tiềm lực quốc phòng, đánh bại kẻ thù xâm lược, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khôi phục, phát triển kinh tế, đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh ổn định, có mặt được cải thiện. 

Với thành tích chiến đấu, sản xuất, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Hà Tuyên vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tặng Huân chương Sao vàng và Huân chương Hồ Chí Minh. Hà Tuyên đã trở thành địa phương Anh hùng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đó là thành tựu quan trọng kế thừa từ lịch sử ngàn năm dựng và giữ nước của dân tộc ta. Thành tựu ấy chính là kết quả của sức mạnh hợp nhất hai tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực kiên cường của nhân dân các dân tộc Hà Tuyên, chúng ta đã thực hiện tốt mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, đó là “hợp lại để mạnh hơn”. Hai địa phương đã bổ sung cho nhau nhân lực, vật lực, tài trí lực, cùng chung lưng, đấu cật, chia ngọt, sẻ bùi, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hà Tuyên trải qua gần 16 năm hợp nhất, tuy không dài nhưng đã trở thành một thời kỳ đầy tự hào với những ký ức không thể nào quên.

Tuyên Quang hôm nay.

Có thể khẳng định, những năm hợp nhất, Hà Tuyên đã hoàn thành sứ mệnh trong một giai đoạn lịch sử của đất nước, đặc biệt là trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Giai đoạn đó đã đặt nhiều dấu ấn đối với lịch sử hai tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang với tình cảm gắn bó, đoàn kết. Những thành tựu tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc hai tỉnh trong quá khứ, hiện tại sẽ là nền tảng vững chắc cho tương lai.

Ngày 12/8/1991, Quốc hội khóa 8 đã quyết định chia Hà Tuyên thành hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang như trước đây. Sau hơn 30 năm chia tách, truyền thống đoàn kết, thuỷ chung vẫn mãi là niềm tin, giá trị to lớn trong hành trang phát triển đi lên của Hà Giang và Tuyên Quang. Hà Giang và Tuyên Quang sẽ khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang, tiếp tục khẳng định và tôn vinh các giá trị lịch sử, giáo dục, bồi đắp những truyền thống tốt đẹp của quê hương, khích lệ, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân của hai tỉnh có trách nhiệm tiếp bước chặng đường lịch sử vẻ vang, hào hùng.

Trong số báo Hà Tuyên cuối cùng ngày 30/9/1991, tác giả Xuân Phong có viết: "Tuy Hà Giang, Tuyên Quang chia thành hai tỉnh, nhưng Quốc lộ 2 và dòng sông Lô vẫn liền mạch và chảy suốt. Hai tỉnh đã tách nhưng mây trời chẳng tách, lòng người không chia". Hà Tuyên thân thương vẫn nhắc nhủ mỗi chúng ta luôn giữ vững truyền thống hợp nhất, tiếp tục giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng mỗi quê hương cùng phát triển.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Tin cùng chuyên mục