Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 tiếp tục chương trình làm việc

Trực tiếp - Sáng nay 18-10, tại Hội trường Tỉnh ủy, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục chương trình làm việc. Các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

11h30: Kết thúc chương trình làm việc buổi sáng, chiều nay hội nghị tiếp tục chương trình làm việc và bế mạc.

11h18: Báo cáo thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về dự án Xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Đại diện UBND tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn đã báo cáo và đề xuất triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, về việc đầu tư hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe, vận tốc tối đa 100km/h, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn bổ sung từ ngân sách Trung ương để thực hiện dự án. Về việc giao UBND tỉnh Phú Thọ làm chủ quản đầu tư đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ, UBND tỉnh Tuyên Quang làm chủ quản đầu tư đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng. UBND tỉnh tiếp tục làm chủ quản đầu tư giai đoạn 1 của dự án đã được phê duyệt để đáp ứng tiến độ hoàn thành giai đoan 1 trong tháng 9-2023; việc tách thành 2 dự án độc lập để giao UBND các tỉnh là chủ quản đầu tư sẽ được nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quá trình lập hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn trình bày báo cáo.

9h30: Xem xét, thảo luận các dự thảo Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Dự thảo Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn  trình bày Dự thảo Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh.

Dự thảo gồm 4 phần. Theo đó, nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là hoàn thành kế hoạch sử dụng đất tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030… và đến năm 2030 cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai... Dự thảo đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp: nhận thức đúng, đầy đủ về quản lý, sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; tổ chức triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách về đất đai đồng bộ với phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai; đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức CTXH và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất.

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị.

Thảo luận dự thảo Chương trình hành động, đồng chí Giám đốc Sở Tài chính Hà Trung Kiên đề nghị, trong quá trình tổ chức thực hiện, nên khuyến khích nhà đầu tư nộp tiền hằng năm nhằm đảm bảo lợi ích chung.

Đồng chí Phạm Văn Lương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề xuất tập trung nguồn lực thực hiện theo Nghị quyết 33, ưu tiên phát triển đô thị động lực, đồng thời xây dựng bản đồ giá đất công khai trên hệ thống điện tử để đảm bảo tính minh bạch.

Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Trang đề nghị cần chỉnh sửa nội dung tại nhiệm vụ, giải pháp số 6 nhằm đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Trang phát biểu thảo luận.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày dự thảo Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự thảo nêu rõ mục tiêu tổng quát, cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo đột phá về ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực trong nông nghiệp nông thôn; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQVN, Hội Nông dân và các tổ chức CTXH, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn.

Thảo luận dự thảo Chương trình hành động, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho biết, các chỉ tiêu mục tiêu cụ thể được ngành tham mưu xây dựng dựa trên thực tiễn của tỉnh và căn cứ trên chỉ tiêu chung của toàn quốc.

Đồng chí Trịnh Ngọc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh.

Đồng chí Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Trịnh Ngọc Tuấn bày tỏ sự nhất trí dự thảo Chương trình hành động. Đồng chí đề xuất, điều chỉnh nội dung liên quan đến hoạt động của ngân hàng mang tính toàn diện hơn, bổ sung chính sách tín dụng, thương mại liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

Đối với mục tiêu xây dựng 1 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý quốc tế, đồng chí Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Đại Thành cho biết, ngành đã xem xét, lựa chọn xây dựng chỉ dẫn địa lý quốc tế đối với sản phẩm Chè Shan tuyết Na Hang.

Đồng chí Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nguyễn Văn Dưng đề nghị cơ quan tham mưu, chức năng xem xét thêm mục tiêu xây dựng đánh giá, đưa yếu tố khoa học vào quá trình phát triển nông nghiệp sinh thái, thông minh. Đồng thời, cân nhắc phát huy giá trị nổi trội, đặc tính sinh học, giá trị sinh thái của rừng Tuyên Quang.

Đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày dự thảo Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương, trình bày dự thảo.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có trên 300 tổ hợp tác, 600 hợp tác xã, 1 liên hợp tác xã… Đến năm 2040, bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả. Dự thảo nêu rõ 5 nhiệm vụ giải pháp gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQVN, các tổ chức CTXH, xã hội nghề nghiệp và Liên minh HTX tỉnh.

Thảo luận về dự thảo Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Hùng Dũng đề nghị các cơ quan tham mưu nghiên cứu thêm các giải pháp để phát triển kinh tế tập thể; tìm kiếm liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số sản phẩm tiêu biểu của hợp tác xã. Đồng thời cần bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ làm công tác kinh tế tập thể.

Qua nghiên cứu dự thảo Chương trình hành động, đồng chí Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Trịnh Ngọc Tuấn đề nghị cần bổ sung nội dung hỗ trợ pháp lý cho hợp tác xã.

8h00: Hội nghị tiếp tục thảo luận

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Mở đầu phần thảo luận sáng nay, đồng chí Trương Thế Hùng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Cục trưởng Cục thuế tỉnh đã báo cáo nhanh tình hình thu chi ngân sách trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2022.

Đồng chí Trương Thế Hùng, Cục trưởng Cục thuế tỉnh.

Đồng chí cho biết, nhiệm vụ thu trong quý IV còn hết sức nặng nề, nguyên nhân là do trong những tháng đầu năm nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh nên ảnh hưởng đến số thu nội địa; một số dự án triển khai chậm tiến độ làm ảnh hưởng đến thu ngân sách; do chính sách gia hạn nộp thuế nên ảnh hưởng đến số thu bình quân... Đồng chí kiến nghị, đối với các huyện, thành phố cần quan tâm, chủ động thực hiện thu tiền sử dụng đất. Từ nay đến cuối năm, để hoàn thành dự toán thu được giao, ngành sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp thu theo đúng quy định pháp luật.

Đồng chí Hà Trung Kiên, Giám đốc Sở Tài chính.

Đồng chí Hà Trung Kiên, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính đã làm rõ thêm nhiệm vụ cân đối thu chi, quyết toán ngân sách nhà nước, dự toán của tỉnh, sử dụng quỹ phát triển đất tính đến thời điểm hiện tại. Đối với việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, đồng chí đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, bám sát các văn bản hướng dẫn để thực hiện theo quy định. Đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Sở đã báo cáo tình hình sử dụng vốn với UBND tỉnh, thời gian tới, ngành đề nghị các địa phương sẽ tiếp tục điều hành ngân sách cấp huyện để phân bổ vốn phù hợp. Ngành sẽ nghiên cứu phương án đề xuất hỗ trợ giáo viên dạy thêm giờ đối với những trường học thiếu giáo viên.

Đồng chíVũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Nội vụ.

Làm rõ thêm vấn đề thiếu giáo viên, đồng chí Vũ Quang Thắng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, ngành đã rà soát số lượng giáo viên, định mức dự kiến phân bổ đối với từng cấp học. Đồng chí cho biết, ngành sẽ sớm trình tờ trình bổ sung giáo viên theo phương châm sắp xếp số lượng giáo viên phù hợp với từng địa phương.

Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường.

Liên quan đến vấn đề đất đai, đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên nhân dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng còn chậm là do liên quan đến vấn đề chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đối với công tác thu ngân sách, đồng chí đề nghị lãnh đạo các huyện, thành phố cần quan tâm, đôn đốc các chủ dự án khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, khẩn trương thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đấu giá. Đồng chí cho biết thêm, để tháo gỡ khó khăn với vấn đề “đất đắp” ngành sẽ tiếp tục phối hợp các sở ngành liên quan thực hiện cấp phép đối với diện tích nằm trong khu vực được phép khai thác khoáng sản, đồng thời thực hiện một số dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

Đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh đã báo cáo nhanh tình hình dự toán, sử dụng kinh phí đối với các công trình được xây dựng từ nguồn kinh phí liên quan. Đồng chí đề nghị, cần tăng cường công tác phối hợp giữa địa phương với ban ngành liên quan trong việc phân bổ vốn.

Đồng chí Phạm Thái Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, đồng chí Phạm Thái Sơn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, ngành sẽ tiếp tục tham mưu để thực hiện cơ chế lồng ghép giữa các nguồn vốn thuộc chương trình. Quý IV, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững hiệu quả. Đồng chí cũng đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai các chương trình hỗ trợ cho nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương liên quan đối với vấn đề thực hiện chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp để đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Thảo luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự đồng tình về một số giải pháp để thu ngân sách cuối năm. Đồng chí đề nghị, cần tăng cường công tác tham mưu của các ngành trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; các huyện, các ngành cần rà soát lại các quy hoạch, kế hoạch liên quan để tham mưu, triển khai, thực hiện các dự án trên địa bàn đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, tổng thể. Đối với vấn đề quy hoạch vùng, đồng chí đề xuất sẽ lập quy hoạch khu chức năng để đảm bảo sự phát triển phù hợp; đối với quy hoạch tại địa bàn Chiêm Hóa, Na Hang, thành phố Tuyên Quang, đồng chí đề nghị tỉnh có cơ chế tạo điều kiện để thúc đẩy việc quy hoạch diễn ra thuận lợi.

Đồng chí Vân Đình Thảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cần nhóm các công trình, dự án cùng loại để giảm tối đa về thủ tục hành chính. Đối với quy hoạch của tỉnh, ngành đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng chí đề nghị, tỉnh sẽ lập quy hoạch vùng huyện trong năm 2023 để đảm bảo tiến độ triển khai, đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với Luật Quy hoạch.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm kết luận phần thảo luận.

Kết thúc phần thảo luận về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý III, triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2022, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị lãnh đạo các địa phương, các sở, ngành liên quan tăng cường theo dõi chặt chẽ, chấn chỉnh, kiểm soát vấn đề tài nguyên, môi trường. Đối với các chương trình mục tiêu Quốc gia, đồng chí đề nghị cần có giải pháp đặc biệt, phù hợp, cụ thể là nhóm các công trình, dự án cùng loại, cùng lĩnh vực để thực hiện; rà soát lại việc phân bổ và bố trí vốn cho các công trình; ưu tiên bố trí vốn cho các công trình thuộc kế hoạch năm 2022. Về vấn đề thiếu giáo viên, đồng chí nhấn mạnh cần duyệt kế hoạch của từng huyện, khẩn trương bố trí, giải quyết bài toán thiếu giáo viên tại cơ sở.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Hưng

Thu Hằng - Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục