Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 5 (khóa XVII) tiếp tục làm việc buổi chiều

Trực tiếp - Chiều 22-4, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 5 (khóa XVII) tiếp tục làm việc với nội dung cho ý kiến vào các dự thảo nghị quyết, đề án về kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực; hạ tầng công nghệ thông tin; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

17h30: Kết thúc chương trình làm việc buổi chiều, sáng mai (23-4) hội nghị tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo các đề án và bế mạc.

17h20: Kết luận phần thảo luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của đề án; nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi văn bản theo ý kiến góp ý của các đại biểu. Đồng chí nhấn mạnh, việc xây dựng sản phẩm du lịch cần có định hướng cụ thể, chi tiết phù hợp với từng loại hình du lịch; khẩn trương hoàn thiện đề án để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm kết luận phần thảo luận. Ảnh: Thanh Phúc

16h10: Thảo luận về Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng chí Đỗ Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh.

Đồng chí Đỗ Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh cho rằng tỉnh có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Đồng chí mong muốn thời gian tới Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh sẽ được phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương trong phương thức quảng bá du lịch, xây dựng các tour, tuyến du lịch mới, khác biệt và hấp dẫn.


Đồng chí Vũ Quang Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ .

Đồng chí Vũ Quang Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị cần tăng cường công tác truyền thông du lịch mang tính chuyên nghiệp; việc bảo vệ tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường; xây dựng các điểm check in.

Đồng chí Nguyễn Thị Thược, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp. 

Đồng chí Nguyễn Thị Thược, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị cần chỉnh sửa một số nội dung cụ thể trong đề án. Đồng chí làm rõ thêm một số những khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp trong phát triển du lịch như: cần tạo những không gian, cảnh quan mang những màu sắc riêng biệt; sản phẩm du lịch cần có truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh truyền thông du lịch đồng bộ.

Đồng chí Dương Minh Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn.

Đồng chí Dương Minh Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn đã làm rõ hơn việc truyền thông du lịch trên mạng xã hội, việc sử dụng người nổi tiếng trải nghiệm tại các điểm du lịch để quảng bá du lịch; nâng cao nhận thức của người dân làm du lịch.

Đồng chí Mai Đức Thông, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang. 

Đồng chí Mai Đức Thông, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang nhấn mạnh tỉnh có 3 thế mạnh phát triển du lịch là du lịch hoài niệm, tâm linh và sinh thái. Đồng chí đề nghị cần bổ sung giải pháp về nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn cảnh quan, môi trường sinh thái, liên kết phát triển du lịch trong cộng đồng; cần có cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ những nghệ nhân đang lưu giữ và truyền dạy văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ; xây dựng thêm các sản phẩm giới thiệu về các điểm du lịch, sản phẩm lưu niệm; đẩy mạnh quảng bá du lịch trên mạng xã hội; cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lâm Bình đề nghị cần làm rõ thêm định hướng về sản phẩm du lịch, việc đào tạo kỹ năng làm du lịch, nguồn nhân lực phục vụ du lịch đối với các huyện vùng cao. Đồng chí cho rằng, cần có nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh để hỗ trợ phát triển du lịch.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương 

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương bày tỏ sự đồng tình về việc thực hiện đề án. Đồng chí cũng làm rõ thêm tiềm năng du lịch tâm linh, sinh thái trên địa bàn huyện Sơn Dương; những khó khăn, hạn chế trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Đồng chí đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch thông minh như ứng dụng công nghệ thông tin trong giới thiệu, quảng bá các tour, tuyến du lịch; việc xây dựng làng văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện.

15h30: Đồng chí Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày dự thảo nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và dự thảo Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng chí Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Thanh Phúc

Dự thảo nghị quyết nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; dịch vụ du lịch đa dạng; có chất lượng đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển; đến năm 2030, tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch tạo bước đột phá để du lịch phát triển toàn diện về phạm vi, quy mô, chất lượng dịch vụ, đảm bảo bền vững và chuyên nghiệp; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, sản phẩm du lịch có thương hiệu và sức cạnh tranh cao.

Dự thảo đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: nâng cao nhận thức về phát triển du lịch và kinh tế du lịch; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch; huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; tập trung phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch, đổi mới nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.

14h30: Thảo luận về Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng chí Phạm Ninh Thái, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Sơn đã làm rõ về sự cần thiết việc xây dựng cầu Tân Long trên địa bàn huyện nhằm chung chuyển hàng hóa, kết nối với một số tuyến quốc lộ.

Đồng chí Hà Trung Kiên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính. 

Đồng chí Hà Trung Kiên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính đã làm rõ hơn về việc sử dụng các nguồn vốn vay; nguồn lực thực hiện đề án để đảm bảo cân đối, phù hợp.

Đồng chí Nguyễn Việt Lâm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.

Đồng chí Nguyễn Việt Lâm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, đã làm rõ công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong quá trình xây dựng dự thảo đề án; phương thức huy động nguồn lực thực hiện đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, ưu tiên thực hiện các tuyến đường trục phát triển và trục kết nối. Đồng chí cũng làm rõ hơn nội dung quy hoạch các bến xe, trạm dừng nghỉ, cảng cạn.

Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm rõ công tác phối hợp để thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, thực hiện công tác đầu tư.

Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan soạn thảo cần dự kiến việc phân bổ nguồn vốn đầu tư cho từng lĩnh vực ngành phù hợp.

Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lâm Bình.

Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lâm Bình đề xuất dự kiến xây dựng đô thị loại V tại xã Minh Quang, hoặc xây dựng trục đô thị từ xã Phúc Sơn đến Minh Quang để phù hợp với sự phát triển của huyện sau khi tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính.

14h00: Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày dự thảo Nghị quyết và Đề án của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Thanh Phúc

Dự thảo nghị quyết đã nêu khái quát tình hình về kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh hoàn chỉnh, đồng bộ đảm bảo kết nối nội vùng, liên vùng trong tỉnh, hệ thống giao thông quốc gia; 100% tuyến đường từ trung tâm các huyện, thành phố đến trung tâm các xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đạt trên 27%; đến năm 2023, 100% thôn bản, tổ nhân dân có internet băng rộng. 

Theo dự thảo, tổng kinh phí thực hiện Đề án là 26.170 tỷ đồng. Trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông 22.382 tỷ đồng; đô thị động lực 3.401 tỷ đồng; hạ tầng công nghệ thông tin 387 tỷ đồng.

Dự thảo nêu rõ 6 giải pháp chủ yếu để thực hiện về: công tác quy hoạch, kế hoạch; nguồn vốn và phương thức đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng; nâng cao công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số; nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc

Các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Minh Tuyên - Thu Hằng - Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục