Họp Ban Chỉ đạo phát triển mía đường tỉnh

- Ngày 11-11, Ban Chỉ đạo phát triển mía đường tỉnh họp, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh và phát triển mía đường niên vụ 2020-2021 và triển khai kế hoạch niên vụ 2021-2022. Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có các lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cuộc họp phát triển ngành mía đường tỉnh.

Niên vụ 2020-2021, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 2.000 ha mía, năng suất bình quân đạt 57,2 tấn/ha, đạt 104% kế hoạch. Tổng sản lượng của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thu mua đạt trên 118,8 nghìn tấn, đạt 84,9% kế hoạch. Về sản xuất, chế biến, kinh doanh, tổng sản lượng đường thu được đạt trên 12,5 nghìn tấn; sản xuất điện sinh khối đạt 36,2 triệu KW, tăng 60% so với năm 2020... doanh thu đạt 260 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngành mía đường của tỉnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng nhập lậu đường, thiếu lao động sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa đạt thấp, vùng nguyên liệu giảm sút...

Theo kế hoạch, vụ ép niên vụ mía 2021-2022 bắt đầu vào cuối tháng 12-2021, kết thúc vào ngày 5-3-2022; tổ chức trồng mới 500 ha, trồng lại 400 ha, chăm sóc 2.000 ha mía lưu gốc. Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã điều chỉnh giá mía thu mua nguyên liệu từ 850 nghìn/tấn lên 900-950 nghìn đồng/tấn.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận, bổ sung các giải pháp để thực hiện niên vụ mía 2021-2022. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân khôi phục lại diện tích mía; cơ cấu lại sản xuất, đưa các giống mới chất lượng cao vào trồng mới, trồng lại; ứng dụng cơ giới hóa... để giảm giá thành, nâng cao giá trị sản xuất mía đường.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ khó khăn với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương. Sự vào cuộc của Chính phủ, Bộ Công Thương, tỉnh, ngành mía đường đã có những khởi sắc. Tuy nhiên, sự cạnh tranh của các cây trồng, chuyển dịch lao động nông thôn tác động đến phát triển vùng nguyên liệu mía, phục vụ công nghiệp chế biến.  Đồng chí Phó Chủ tich UBND tỉnh đề nghị, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cần tiếp tục tái cơ cấu lại sản xuất, bắt đầu từ khâu giống, đưa các giống mía có năng suất, chất lượng, nhân rộng mô hình trồng mía có hiệu quả; tăng cường cơ giới hóa trong thu hoạch, bốc xếp, vận chuyển; chủ động phối hợp với UBND huyện, thành phố lựa chọn các vùng có điều kiện để xây dựng cánh đồng mía lớn; đổi mới dây chuyển sản xuất nâng cao năng suất chất lượng đường; thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách đầu tư, thu mua, vận chuyển mía nguyên liệu cho người dân.

Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang giao ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đồng hành hỗ trợ công ty thực hiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh mía; nắm tình hình, phối hợp với các huyện, thành phố, công ty giải quyết dứt điểm tình trạng tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu...                                                                              

 Tin, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục