Hướng đi bền vững cho sản xuất nông nghiệp

- Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tuy nhiên nhiều sản phẩm đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng trong và ngoài nước. Sản xuất bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, chuyển đổi quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn là giải pháp duy nhất để “bảo hộ” nông sản của tỉnh trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Đầu năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn 3 ha chè từ 5 tuổi đến 7 tuổi tại xã Trung Yên (Yên Sơn) để thực hiện mô hình sản xuất hữu cơ. Giống chè tham gia mô hình là chè Trung du và chè lai NDP1. Sau 2 năm triển khai, mô hình đã được công nhận đạt chuẩn hữu cơ.

Đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, thực hiện mô hình, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ một phần phân hữu cơ cải tạo cho cây chè, chế phẩm vi sinh làm phân bón cải tạo đất và chế phẩm sinh học trừ sâu cho cây chè.

Các sản phẩm nông nghiệp của huyện Yên Sơn được bày bán tại Hội chợ Thương mại - Du lịch
tỉnh Tuyên Quang năm 2020.   Ảnh: Cảnh Trực

 

Bà Vũ Thị Thảo, thôn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) cho biết, chuyển đổi sang hướng sản xuất hữu cơ, năng suất có giảm xuống nhưng đổi lại chất lượng chè ngon hơn hẳn, giá cũng tăng lên. Hiện tại giá 1 kg chè khô dao động từ 550 - 600 nghìn đồng/kg, cao gấp đôi chè sản xuất đại trà. 

Liên nhóm trồng cam sành hữu cơ huyện Hàm Yên tiếp tục thu về mùa cam ngọt khi hệ thống siêu thị Vinmark, Bác Tôm tại thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh và một số cửa hàng thực phẩm sạch ký kết bao tiêu sản phẩm với giá 20.000 đồng/kg. Anh Hoàng Đức Hùng, Trưởng liên nhóm sản xuất cam hữu cơ Hàm Yên cho biết, theo yêu cầu của bạn hàng, quá trình chăm sóc cam được các hộ sử dụng phân chuồng hoai mục, đạm cá, thuốc bảo vệ thực vật chế biến từ cây dược liệu. Thực hiện quy chuẩn, cam hữu cơ vượt trội về độ an toàn và chất lượng, thời gian bảo quan có thể kéo dài 1 tháng.

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, người sản xuất đã “bảo hộ” được chính sản phẩm của mình. Thực tế đã chứng minh giá trị sản phẩm được sản xuất hữu cơ thường cao hơn gấp đôi so với sản phẩm đại trà.
Lợi thế cạnh tranh lớn tuy nhiên mô hình sản xuất hữu cơ chưa nhiều, thống kê chưa đầy đủ. Toàn tỉnh mới có 35 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó 17,2 ha cam, 8 ha chè, còn lại là bưởi, thanh long. Khó khăn hiện nay trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ chính là yếu tố đầu vào, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học vẫn chiếm đa số; việc phân định sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường trên thị trường không thực sự rõ ràng, khiến người nông dân không quan tâm đầu tư, người tiêu dùng nghi ngờ khi sử dụng.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra vườn bưởi hữu cơ
của Hợp tác xã Sản xuất bưởi hữu cơ Phúc Ninh (Yên Sơn).   Ảnh: Đoàn Thư

Ông Hà Lê Bình, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh cho biết, Hiệp hội đang phối hợp với Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn người dân thực hiện quy trình sản xuất tuần hoàn, lấy phụ phẩm nông nghiệp để tái phục vụ sản xuất. Đây là cách nhiều nước tiên tiến đang làm nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người nông dân chủ động trong sản xuất. Hiệp hội cũng cấp giấy chứng nhận đối với sản phẩm đạt hữu cơ. Hiện đã có 3 sản phẩm gồm cam sành Hàm Yên, bưởi Phúc Ninh (Yên Sơn) và chè Trung Long (Sơn Dương) được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.  

Khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mới đây HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ tối đa lên tới 300 triệu đồng/dự án. Theo đó, trồng trọt và chăn nuôi là hai lĩnh vực được khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh đối với một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đối với cây lương thực (lúa, ngô) có quy mô trồng trọt tối thiểu 5 ha/dự án; cây ăn quả có múi (cam, bưởi, chanh) có quy mô trồng trọt tối thiểu 3 ha/dự án; cây chè, lạc có quy mô trồng trọt tối thiểu 2 ha/dự án; cây rau, cây dược liệu có quy mô trồng trọt tối thiểu 1 ha/dự án.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đại Thành cho rằng, chính sách của tỉnh là cú huých cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay. Tuy nhiên, để sản xuất bền vững, các nhà vườn, trang trại, hợp tác xã cần chủ động liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để điều tiết kế hoạch sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh phát triển ồ ạt làm mất cân bằng cán cân cung cầu dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục