Một số địa điểm Bác ở, làm việc tại Tuyên Quang

- Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa cách mạng tháng Tám 1945, Tuyên Quang vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ lựa chọn làm căn cứ địa cách mạng - Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm lãnh đạo cách mạng của cả nước. Dưới đây là một số địa điểm ghi dấu chân Người.

Tại đình Tân Trào - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ trước hàng nghìn đồng bào trong khu giải phóng.

Đình Hồng Thái là địa điểm dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi từ Pác Bó về Tân Trào (ngày 21/5/1945) lãnh đạo tổng khởi cách mạng Tháng 8-1945. Địa điểm này cũng là trụ sở của Ban Bảo vệ An toàn khu, của bộ phận tiếp tế và là nơi đón tiếp đại biểu về dự các hội nghị của Đảng. Đình Hồng Thái thuộc thôn Cả, xã Tân Trào (Sơn Dương). Đình nguyên là đình làng Cả, mang tên liệt sỹ Phạm Hồng Thái từ ngày cách mạng giành chính quyền.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Tiến Sự vinh dự là nơi Bác Hồ ở khi Người từ Pác Bó, Cao Bằng về Tân Trào từ ngày 21-5 đến cuối tháng 5-1945. Ngôi nhà sàn gồm 3 gian, 2 chái, mái lợp lá cọ, diện tích 50 m2. Gian giữa rộng hơn là nơi Bác ở và thường ăn cơm cùng gia đình. Gian ngoài phía cầu thang lên là nơi Bác Hồ làm việc, tiếp khách. Bác ở đây trước khi rời lên lán Nà Nưa. Ông Nguyễn Tiến Sự - Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long (nay là làng Tân Lập), xã Tân Trào (Sơn Dương).

Lán Nà Nưa là nơi Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945 lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tại lán Nà Nưa, Bác Hồ đã chỉ thị: Vùng giải phóng đã bao gồm 6 tỉnh (Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên); các lực lượng vũ trang sau khi thống nhất lại, lấy tên chung là Quân giải phóng; triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác. Chấp hành chỉ thị của Bác, ngày 4-6-1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu. Hội nghị đã quyết định thành lập Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng; đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh... Từ căn lán nhỏ Nà Nưa - Tân Trào mọi chỉ thị, nghị quyết về phương châm, đường lối, sách lược của Đảng nhằm đẩy mạnh cuộc Tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp cả nước.

Đình Tân Trào: Nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội (ngày 16 và 17/8/1945) - đại hội được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử đất nước. Đại hội đã bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc - tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nhất trí tôn vinh Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng thời quyết định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng năm cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao. Tại đây, sáng ngày 17-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ trước hàng nghìn đồng bào trong khu giải phóng. Từ lời thề của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đình Tân Trào ngày 17-8 “Quyết tâm giành độc lập cho Tổ quốc...’’ chỉ sau 15 ngày đã trở thành hiện thực hiển nhiên trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới, chấm dứt những năm dài nô lệ, mở đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.                    

Hải Yến

Tin cùng chuyên mục