Nhớ ngày giải phóng Thành Tuyên (17-8-1945 - 17-8-2022)

- 77 năm sau ngày giải phóng, thành phố Tuyên Quang hôm nay đã nhiều đổi thay. Thành phố trẻ đang khoác lên mình “tấm áo” mới, vươn mình hòa vào nhịp sôi động của các đô thị trong khu vực.

Bước sang tháng 6 năm 1945, ở tỉnh Tuyên Quang, hầu hết các địa phương đã khởi nghĩa giành chính quyền, chỉ còn tỉnh lỵ Tuyên Quang là chưa được giải phóng, quân Nhật chiếm đóng vùng này còn khá mạnh. Tuy nhiên, tại thị xã Tuyên Quang lúc bấy giờ phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng lên cao, điều kiện thuận lợi cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền đã chín muồi...

Sau khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở các huyện trong tỉnh, nhiều mũi quân cách mạng từng bước áp sát thị xã Tuyên Quang móc nối lại các cơ sở cách mạng, xây dựng thêm các cơ sở mới, đồng thời củng cố các đội tự vệ. Cơ sở cách mạng lan rộng khắp thị xã và vùng phụ cận. Quân Nhật hầu như không còn kiểm soát nổi tình hình ở những nơi chúng không đóng quân. Tình thế trực tiếp của cách mạng ngày càng tới gần.

Nằm trên trục đường 17-8 là cụm công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tượng đài Bác Hồ và Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, là địa chỉ giáo dục truyền thống, lịch sử và nơi sinh hoạt văn hóa của người dân, du khách khi đến với Tuyên Quang.

Trước diễn biến hết sức khẩn trương của phong trào cách mạng, tháng 7/1945, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Tuyên Quang được thành lập do đồng chí Tạ Xuân Thu làm Bí thư, chịu trách nhiệm lãnh đạo mọi mặt ở những vùng đã giải phóng và chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ.

Ngày 16/8/1945, trên đường về dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, đồng chí Song Hào nhận được lệnh quay trở lại chỉ đạo cuộc tấn công giải phóng thị xã Tuyên Quang. Ủy ban khởi nghĩa Tuyên Quang được thành lập, gồm các đồng chí: Song Hào, Tạ Xuân Thu, Nguyễn Công Bình...

Đêm 16/8/1945, các đơn vị giải phóng quân từ Sơn Dương, Chiêm Hóa và đội du kích người Dao từ Thành Coóc, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn cùng hội quân tập kết ở Ỷ La, chờ lệnh khởi nghĩa.

2 giờ sáng ngày 17-8-1945 đồng chí Song Hào - Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa đọc bản Quân lệnh số 1 ra lệnh quân và dân Tuyên Quang nổ súng tiến vào giải phóng thị xã Tuyên Quang. Do làm tốt công tác địch vận, quân giải phóng tới đâu cũng được lính gác mở cổng đón vào. Chỉ vài tiếng sau giờ nổ súng, ta đã chiếm được các vị trí trọng yếu, hầu hết thị xã Tuyên Quang đã nằm dưới sự kiểm soát của ta. Đến 5 giờ sáng cùng ngày, từ các hướng, quân ta dồn về vây chặt trại lính Nhật. Theo tinh thần đó, quân ta chặn mọi ngả đường ra vào thành. Trước tình thế vây hãm hoàn toàn bất lợi, quân Nhật xin điều đình, xin quân đội ta mở đường cho chúng rút quân từ Hà Giang và Tuyên Quang về Hà Nội. Ngày 21-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa vào trại lính Nhật tiếp nhận đầu hàng của chúng. Cùng ngày, quân Nhật cũng rút khỏi Tuyên Quang. Thị xã Tuyên Quang được hoàn toàn giải phóng...

77 năm đã trôi qua, biết bao biến chuyển đối với thị xã nhỏ bé, thơ mộng và yên bình bên dòng Lô lịch sử ngày ấy... Giờ đây, thị xã Tuyên Quang đã là thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn tiêu chí đô thị loại II, một thành phố trẻ đầy năng động đang trên đà phát triển. Cùng với việc bố trí các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, nhiều tuyến đường, phố được mở mới, nâng cấp khang trang, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của một đô thị mới. Trong đó, có tuyến đường giữa lòng thành phố mang tên 17 tháng 8 - ngày giải phóng thị xã. Nằm trên trục đường 17 tháng 8 là cụm công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tượng đài Bác Hồ và Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, là địa chỉ giáo dục truyền thống, lịch sử và nơi sinh hoạt văn hóa của người dân, du khách khi đến với Tuyên Quang.

Đời sống văn hoá tinh thần của người dân thành phố Tuyên Quang ngày càng nâng cao. 

Đặc biệt trong năm 2021, thành phố vinh dự được nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Tuyên Quang là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tuyên Quang; công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Việc công nhận thành phố Tuyên Quang là đô thị loại II tạo động lực cho sự phát triển của thành phố, của tỉnh; tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, thành phố hiện có 10 phường và 5 xã với tổng diện tích tự nhiên là 18.438 ha. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đạt trên 72%, là một trong những thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao của khu vực miền núi phía Bắc. Những kết quả đã đạt được là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục vươn mình, phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Duy Đức
(Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang)

Tin cùng chuyên mục