Nói tiếng nói của Dân

- Tại Đình Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, ngày 16-8-1945 đã khai mạc Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội Việt Nam. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc và đánh dấu sự kiện trọng đại trong sự ra đời, hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam. Phát huy truyền thống vẻ vang ấy, qua các nhiệm kỳ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh luôn phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân bầu luôn lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng, vì dân để đổi mới.

Từ những vấn đề lớn mang tầm vĩ mô như các chủ trương, chính sách hay các vấn đề bất cập từ thực tiễn đời sống nhân dân đều được các ĐBQH chuyển tải kịp thời... Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm trước Nhân dân, xứng đáng với sự tin cậy và gửi gắm của cử tri và có những đóng góp nhất định trên chặng đường phát triển của đất nước...

Lắng nghe, kịp thời phản ánh ý kiến cử tri

Cầm trên tay sổ đỏ của gia đình, bà Trần Thị Mai, xóm 5, xã Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang rưng rưng xúc động kể: Một phần diện tích đất của gia đình trước đây nằm trong quy hoạch Nhà máy xi măng Tân Quang. Nhưng diện tích đó không may trong khu vực sử dụng của nhà máy nên bỏ hoang nhiều năm. Kiến nghị với địa phương nhiều lần chưa được giải quyết, sau khi buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh ở địa phương, kiến nghị của bà được tiếp thu, sau đó Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri ở địa phương. Kiến nghị chính đáng của bà Mai được giải quyết thỏa đáng.

Cũng bày tỏ vui mừng, ý kiến của mình về nâng mức phụ cấp đối với đội ngũ cán bộ thôn bản, và người  hoạt động không chuyên trách được chuyển tải đến Quốc hội, ông Đặng Văn Dũng, Trưởng thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) chia sẻ: Với ông làm công việc ở thôn là trách nhiệm của một người đảng viên. Tuy nhiên, ông cũng trăn trở khi mức phụ cấp còn khá thấp, trong khi công việc thì nhiều. Ông đã bày tỏ ý kiến của mình tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh tại địa phương.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, vấn đề đã được Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển tải đến ngành Nội vụ. Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã khẳng định: Quy định số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo Nghị định 34 của Chính phủ đã cho thấy bất cập trong thực tiễn. Những nơi có quy mô dân số lớn thì cán bộ không chuyên trách quá tải về công việc. Bộ Nội vụ đã nghiên cứu rất kỹ, đánh giá đầy đủ, toàn diện về Nghị định số 34 và cho thấy cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. “Chúng tôi mong lời hứa của tư lệnh ngành Nội vụ sẽ sớm được triển khai trong thực tiễn” - Ông Dũng bày tỏ.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp xúc cử tri trực tiếp tại 30 điểm trên địa bàn các huyện, thành phố. Qua tiếp xúc cử tri Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp được 240 ý kiến, kiến nghị chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Đồng thời chuyển tải nhiều ý kiến đến Quốc hội, các cơ quan Trung ương.

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Từ kiến nghị của cử tri Tuyên Quang được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp thu, nghiên cứu, sửa đổi quy định, chính sách chung của cả nước như tiếp tục bổ sung thêm biên chế sự nghiệp cho ngành giáo dục, để đảm bảo có đủ đội ngũ thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018; rà soát điều chỉnh, bổ sung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí theo quy định để bắt kịp với lộ trình cải cách tiền lương và tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy và kinh phí hoạt động của các cơ sở y tế công lập theo đúng quy định hiện hành...

Hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh cũng có nhiều đổi mới. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề gắn với lấy ý kiến xây dựng luật, qua đó tổng hợp được những ý kiến tham gia vào dự án luật đồng thời ghi nhận được những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách pháp luật của các cơ quan, sở ngành. Từ đó tổng hợp chuyển đến các Bộ, ngành xem xét giải quyết trả lời, do vậy các ý kiến kiến nghị sớm được giải quyết, trả lời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các cơ quan trên địa bàn tỉnh.

Tháo gỡ những vướng mắc của dân

Nhận thức sâu sắc về niềm tin, sự kỳ vọng của gần 8 trăm nghìn cử tri tỉnh Tuyên Quang, các ĐBQH tỉnh luôn phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, bám sát thực tiễn. Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động giám sát, khảo sát. Nhiều vụ việc của công dân, cử tri kiến nghị đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát, đeo bám, đôn đốc đến cùng việc trả lời của các cấp, các ngành và đã được giải quyết nhanh, dứt điểm, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và của Quốc hội. Đặc biệt sau giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương những cơ chế, chính sách gì và được các cơ quan Trung ương tiếp thu hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Đơn cử như đối với việc giám sát thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều kiến nghị với Quốc hội, chính phủ về một số bất cập. Trong đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 theo hướng bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính, nhất là đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính ở miền núi, vùng cao có các yếu tố đặc thù về địa lý, địa hình, an ninh, quốc phòng, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán...; quy định các điều khoản cụ thể áp dụng cho các trường hợp thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính để làm căn cứ tiếp tục triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022 - 2026 và định hướng đến năm 2030.

Sau Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản... Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các nút thắt, điểm nghẽn hoặc chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết dẫn đến thực hiện còn lúng túng, xảy ra sai phạm trong công tác quy hoạch, đầu tư (đầu tư công, PPP, đầu tư tư nhân,...) trong giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công; trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tích cực làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt trên diễn đàn Quốc hội, các ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp tiếng nói quan trọng để Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai; phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang cùng nhiều công trình dự án quan trọng khác của tỉnh.

Với sự năng động, đổi mới hành động vì dân, Đoàn ĐBQH tỉnh đã bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cử tri, Nhân dân với Quốc hội, Chính phủ; xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri.
 

Thủy Châu - Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục