Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Tuyên Quang đổi thay cả khu vực đô thị và nông thôn”

- Chiều 23-2, tại Hội trường Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh.

Cùng dự có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Nguyễn Văn Thể, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Công

Tiếp và làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.

Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đã báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tuyên Quang đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết Đại hội, có nhiều chỉ tiêu vượt ở mức cao, cơ bản đạt mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tuyên Quang phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 8%. Tổng sản phẩm GRDP bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 4.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa trên 27%; có 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, trong đó 30% có bằng, chứng chỉ; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân 2 - 2,5%/năm; duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 65%.

Mặc dù đạt được những thành tựu, song do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỉnh đề xuất, kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành quan tâm, giúp đỡ một số nội dung: bổ sung vốn đầu tư để tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành công trình Dự án đầu tư xây dựng Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai phục vụ đi lại, phát triển, kinh tế - xã hội của địa phương; hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương để tỉnh đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh; hỗ trợ cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa bàn tỉnh và Quốc lộ 2C kết nối Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương) đến Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa) và Khu danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình; cho phép tỉnh lập Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng căn cứ cách mạng tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030 (các xã thuộc an toàn khu, vùng an toàn khu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); xem xét phê duyệt Quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang; hỗ trợ nguồn vốn vay ODA cho tỉnh để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng một số cây cầu vượt sông Lô để phát triển thành phố Tuyên Quang đạt tiêu chí đô thị loại I; quy hoạch, hỗ trợ đầu tư xây dựng đập dâng đa chức năng trên sông Lô tại khu vực thành phố Tuyên Quang để phòng chống lũ cho các khu vực hạ du. Đồng thời tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi thủy sản, tạo cảnh quan phát triển du lịch, dịch vụ...

Lãnh đạo tỉnh tặng Thủ tướng bức tranh Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.
Ảnh: Thành Công

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, sau 10 năm kể từ khi thành phố Tuyên Quang được công nhận đô thị loại III, tỉnh đã có sự đổi thay rất lớn, cả khu vực đô thị và nông thôn, nhiều xe hơi, đường điện sáng lung linh khắp các tuyến phố và khu vực đường nông thôn. Đặc biệt, trong bối cảnh cả thế giới đang gánh chịu những tác hại của đại dịch Covid-19, Tuyên Quang vẫn vững vàng, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện, truyền thống văn hóa tốt đẹp được bảo tồn, niềm tin trong nhân dân tăng lên.  

Thủ tướng lưu ý, Tuyên Quang là một tỉnh có truyền thống cách mạng, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Do đó, việc làm cần làm ngay lúc này là cấp ủy, chính quyền tỉnh cần sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại hội Đảng toàn quốc, tranh thủ nguồn lực, cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân vươn lên làm giàu.

Thủ tướng cũng chỉ rõ, với tỷ lệ che phủ rừng lớn, sản lượng khai thác rừng hàng năm cao đứng top đầu trong khu vực miền núi phía Bắc, diện tích rừng trồng hàng năm Tuyên Quang luôn ở mức trên 11.000 ha. Đây là tiền đề để Tuyên Quang phát triển nền kinh tế xanh và trở thành cứ điểm của ngành gỗ Việt Nam và khu vực. Đi liền với đó, tỉnh cũng cần quan tâm phát triển các lĩnh vực khác như cây ăn quả, đặc biệt là cam sành Hàm Yên, mía chất lượng cao.

Đối với các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng giao các bộ, ngành tính toán, nghiên cứu tính khả thi và báo cáo Thủ tướng.

Thủ tướng tin tưởng với truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc Tuyên Quang sẽ có những bước đi đột phá, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước vì Việt Nam xanh, phát triển và bền vững.

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục