Triển khai chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021-2030

- Ngày 19-10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh Việt Hòa

Dự hội nghị có đồng chí: Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh. Hội nghị tổ chức trực tuyến với điểm cầu các huyện, thành phố, các sở, ngành trong tỉnh.

Những định hướng đặt ra đối với công tác CCHC

Mục tiêu Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ là tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, định rõ việc của cơ quan hành chính nhà nước; phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước; tăng cường rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh Việt Hòa

Đề án đẩy mạnh CCHC xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu phải đảm bảo sự lãnh đạo đồng bộ, thống nhất của Đảng, điều hành của Chính quyền các cấp, tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số được vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng cao, sử dụng nguồn nhân lực tối ưu, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, giải quyết hiệu quả những nhiệm vụ đột phá, lĩnh vực trọng tâm để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững quốc phòng - an ninh của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030.

Đề án đề ra các chỉ số, mục tiêu đối với từng lĩnh vực CCHC, từng giai đoạn. Trong đó, Đề án xác định đến năm 2025, Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Tuyên Quang đạt từ 86% trở lên (thuộc nhóm khá trong cả nước).

Phát huy vai trò người đứng đầu trong CCHC

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung ý kiến trao đổi nguyên nhân, hạn chế, bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai thực hiện CCHC giai đoạn trước; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện chỉ số CCHC, cải thiện sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu được các đại biểu cho rằng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa sâu sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, kỷ luật, kỷ cương hành chính tại một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và đánh giá, xếp loại tập thể lãnh đạo, quản lý trong một số cơ quan, đơn vị còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm… Do đó, để thực hiện tốt công tác CCHC gian đoạn tới cần phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đổi mới, cải tiến phương thức làm việc. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện công tác CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh Việt Hòa

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành trong thời gian tới phải tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, đặc biệt là đối với người đứng đầu, phải nhận thức rõ vai trò của CCHC, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá. Nhiệm vụ CCHC phải xác định không thể không làm, không thể kéo dài, không thể làm chậm, không thể kém hiệu quả. Một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu các chương trình, đề án phát triển kinh tế chính là công tác CCHC. Tập trung nâng cao việc rà soát, thẩm định, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản QPPL; nâng cao hiệu quả cải cách TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC không để tình trạng bê trễ trong giải quyết TTHC cho người dân, xây dựng hình ảnh thân thiện đối với người dân trong giải quyết công việc cho dân. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối tổ chức trung gian.  Đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng dần số đơn vị tự chủ hoàn toàn về chi đầu tư và chi thường xuyên; hoàn thành, cập nhật, ban hành kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang; nâng cấp chức năng Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử…

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Sơn Dương. Ảnh: Thanh Phúc

Đồng chí mong muốn mỗi cán bộ, công chức cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác CCHC, sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, sự cố gắng phấn đấu của mỗi cán bộ, công chức thì công tác CCHC sẽ đạt hiệu quả cao, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục