Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hiện đại

- Ngày 9-5, UBND tỉnh họp về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang chủ trì cuộc họp.        

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh duy trì tăng trưởng khá, tăng bình quân trên 4%/năm; nông nghiệp chuyển dịch sang sản xuất hàng hóa; các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi được hình thành, phát triển. Kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững, công nghiệp chế biến gỗ đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, sản xuất nông hộ nhỏ, dựa vào canh tác truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn; đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; tỷ trọng sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức liên kết còn thấp; đời sống người dân khu vực nông thôn còn khó khăn...

Tỉnh đã cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các quan điểm, định hướng, mục tiêu, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 150 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với điều kiện của  địa phương, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, bền vững; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người nông dân; phát triển nông thôn toàn diện, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại cuộc họp.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 3%/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 60%. Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu; giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh Tuyên Quang đạt khoảng 82 triệu USD. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân trên 2%/năm. Tầm nhìn đến năm 2050 phấn đấu Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh có nền nông  nghiệp hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị...

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang nhất trí với mục tiêu kế hoạch và nhấn mạnh, để xây dựng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố phải căn cứ vào các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII để xây dựng cho phù hợp. Trên cơ sở đó thực hiện hiệu quả các giải pháp, trọng tâm là hoàn chỉnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh; tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững; thúc đẩy hợp tác liên kết, ứng dụng công nghệ cao phát triển chuỗi giá trị, đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp; tổ chức hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn...  

Tin, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục