Cũng là tự diễn biến

- Trên mạng xã hội, ta hay bắt gặp những chủ tài khoản tỏ ra thạo tin, thường đăng những vụ việc “nóng”, nhạy cảm, khai thác triệt để những bất cập, thiếu sót trong chủ trương hay triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp.

Có khi họ chỉ đưa lên mạng xã hội mà không kèm bình luận, để mặc thiên hạ vào comment đủ kiểu. Có khi họ dùng lời lẽ mỉa mai, chỉ trích, phán xét một cách tiêu cực; như một cách khơi mào cho những người đang có bực dọc chuyện này chuyện kia bùng lên. Thậm chí, có khi chỉ một dòng trạng thái bâng quơ, hay từ những việc rất nhỏ, rời rạc và đơn lẻ, họ cố tình gán ghép sự việc “bé xé ra to”, rồi quy kết, chĩa mũi công kích về phía chính quyền, vào hệ thống chính trị và thể chế; châm ngòi cho sự bất mãn, hằn học, đả kích của nhiều người.

Một nửa cái bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải sự thật. Nếu chỉ đưa tin phiến diện, hay gán ghép những việc đơn lẻ với nhau, sẽ dễ dàng đưa người đọc đến những cái nhìn méo mó, sai bản chất. Việc chỉ đăng lên mạng mặt trái của vấn đề đã đóng khung, gò bó cách nhìn của cộng đồng. Từ đó tạo tâm lý tiêu cực, thiếu trách nhiệm.

Đáng buồn, không ít những chủ tài khoản mạng ấy là cán bộ, đảng viên; cả đương chức và đã nghỉ hưu. Họ đều là người có năng lực nắm bắt, hiểu bản chất những hiện tượng mà họ đưa ra chỉ trích, phán xét. Họ đều là người hiểu rõ việc chỉ trích thiếu trách nhiệm, phán xét vô căn cứ sẽ gây ra tác hại, hậu quả cho xã hội, nhất là khi những thông tin tiêu cực đó bị phát tán khó lường trong một thế giới trực tuyến kết nối, tương tác cao như ngày nay.

Xu hướng thích chỉ trích thể hiện sự thiếu trách nhiệm với xã hội, với mọi người xung quanh. Điều đó không chỉ cho thấy một lỗ hổng trong nhân cách, mà còn cho thấy sự dao động nhất định trong tư tưởng, sự thiếu niềm tin vào những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó chính là một biểu hiện của tự diễn biến, tự chuyển hóa; cần được nhận diện và chấn chỉnh.     

Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục