Giá trị nào?

- Việc 2 chủ tịch tập đoàn lớn bị khởi tố, bắt tạm giam mới đây cho thấy những bài học cay đắng về lựa chọn giá trị. Đã đành ước muốn làm giàu là chính đáng, của tất cả mọi người. Hai người vừa bị bắt giam đã dành toàn bộ công sức, tâm huyết để gây dựng cơ nghiệp rồi trở thành những người có giá trị tài sản nổi tiếng trên thương trường. Họ cũng đã có những đóng góp nhất định với cộng đồng xã hội. Họ cũng đã đào tạo được nhiều người trong gia đình trở thành những cộng sự đắc lực, có học hành bài bản, giàu năng lực. Tưởng như đó là những mô hình lý tưởng cho bất cứ ai, bất cứ gia đình nào.

Đáng buồn là giờ đây không chỉ họ vướng vòng lao lý, mà nhiều người thân của họ cũng bị bắt  giam với vai trò đồng phạm, giúp sức.

Nhìn lại thì thấy họ là những người tài năng, khi từ gian khó và tay trắng để đi lên, xây dựng cơ nghiệp giàu có. Nhưng tài năng lại được sử dụng để toan tính phi pháp thì thật đáng tiếc. Không phủ nhận tài năng làm giàu của họ, nhưng giữa tiền bạc và tự do, chắc hẳn không ai muốn mất tự do - nhất là tự do của bản thân và cả những người ruột thịt.  Khi đã xác định được giá trị nào là cốt lõi, sẽ nhận ra có nên liều lĩnh bất chấp để kiếm tiền hay không.

Liên hệ sang những vụ cán bộ đảng viên bị kỷ luật thì thấy, nguyên nhân chung là họ đều tham. Có 1 lại muốn có 2, có 3...

Người đứng đầu Đảng ta đã từng căn dặn: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ lắm tiền nhiều của, ăn ngon mặc đẹp; mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Pháp luật và kỷ cương không cho phép làm giàu bằng hành vi gian dối, chỉ vì lợi ích cá nhân mà chà đạp lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia. Nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy lợi ích tập thể, quốc gia dân tộc lên hàng đầu. Quy luật nhân quả cũng không cho phép người gieo trái đắng lại được nhận quả ngọt.                                                            

Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục