Giao việc đột phá: Thể hiện năng lực cán bộ

- Thực hiện Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giao việc đột phá, đổi mới, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn. Qua đó, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đội ngũ cán bộ đổi mới, phát huy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. "Sản phẩm" công việc sẽ là cơ sở đánh giá và sử dụng cán bộ.

Khẳng định tính tiên phong, gương mẫu

Năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao việc đột phá, đổi mới cho lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập trung vào các chỉ tiêu thực hiện khâu đột phá ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.  

Cá nhân đồng chí Giám đốc Sở được giao 5 việc: xây dựng và thực hiện đề án phát triển đàn trâu, đề án phát triển thuỷ sản, phát triển lâm nghiệp bền vững, phấn đấu có từ 3-5 sản phẩm được kết nối chuỗi vào siêu thị và có ít nhất 1 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. 

Thực hiện nhiệm vụ đột phá, lãnh đạo sở cũng như người đứng đầu các đơn vị đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ với quyết tâm cao, quyết liệt trong từng công việc cụ thể. Nhờ thế, năm 2022, các mục tiêu, chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nắm tình hình sản xuất của người dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho biết, qua thực hiện giao việc đột phá, đổi mới đã phát huy tính sáng tạo, thể hiện được năng lực của đội ngũ cán bộ. Năm 2023, ngành Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện khâu đột phá “phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Cũng như ngành nông nghiệp,  đồng chí Giám đốc Sở Công thương Hoàng Anh Cương được giao nhiệm vụ đột phá lãnh đạo có sản phẩm công nghiệp của tỉnh được công nhận sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Theo đó, với sự nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt là sự sát sao của lãnh đạo sở, nhất là vai trò của đồng chí Giám đốc sở, tháng 11-2022, sản phẩm bột giấy và giấy thành phẩm của Công ty cổ phần Giấy An Hòa được công nhận sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Có thể thấy việc thực hiện đăng ký và giao việc đột phá, đổi mới đã giúp các cơ quan, đơn vị xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm thực hiện. Thông qua đó tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, năng động, phát huy năng lực trong công tác lãnh đạo, điều hành, nhất là đối với người đứng đầu.

Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Năm 2022 và giai đoạn 2022-2025,  Tỉnh ủy đã thực hiện  giao 219 việc đột phá, đổi mới  cho 77 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng và thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh giao 731 việc đột phá, đổi mới cho 565 cán bộ theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ. Việc đăng ký và giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ đã tạo điều kiện thúc đẩy đội ngũ cán bộ khẳng định bản lĩnh, phát huy năng lực lãnh đạo, điều hành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị; đồng thời tạo môi trường và động lực để cán bộ chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Nhiều địa phương, việc đột phá không chỉ được giao cho người đứng đầu, lãnh đạo quản lý mà giao cho tất cả công chức, viên chức, cán bộ. Như ở xã Nhân Lý (Chiêm Hóa), 47 cán bộ công chức, viên chức, cán bộ bán chuyên trách đều được Đảng ủy xã giao nhiệm vụ đột phá. Những việc được giao tập trung vào giải quyết dứt điểm, hiệu quả các vấn đề còn hạn chế, chưa đạt như phát triển đảng viên, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế tại địa phương. Đây cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hàng năm, nhiệm kỳ của Đảng bộ xã.

Mỗi công việc đột phá được giao đều gắn với chức năng nhiệm vụ của từng vị trí công tác. Đồng chí Ma Doãn Đức, khi còn làm Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Lý, được giao nhiệm vụ “chỉ đạo có hiệu quả công tác phát triển lâm nghiệp, hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng hàng năm”. Nhận nhiệm vụ, đồng chí thường xuyên gắn bó với thôn bản, nắm bắt tình hình nhân dân, vận động nhân dân phát triển lâm nghiệp. Cùng với đó, đồng chí tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch phát triển lâm nghiệp, giao chỉ tiêu đến các thôn. Đến nay, diện tích rừng trồng toàn xã nâng lên 630 ha, là một trong những địa phương dẫn đầu của huyện Chiêm Hóa về lâm nghiệp. Thông qua phát triển lâm nghiệp, đã phát huy tiềm năng của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay đồng chí Ma Doãn Đức đã được điều động, luân chuyển bổ nhiệm giữ cương vị Chủ tịch UBND xã Tân An.

Đồng chí Ma Thế Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh chia sẻ: việc giao việc đột phá đổi mới cho cán bộ sẽ có thêm cơ sở định lượng rõ ràng năng lực, trách nhiệm, ưu, khuyết điểm của cán bộ. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ đã giao chính là cơ sở để tỉnh lựa chọn và sử dụng cán bộ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, có tinh thần đổi mới, sáng tạo. Việc giao sản phẩm, nhiệm vụ là giải pháp thực tế góp phần xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực, uy tín.

Có thể thấy, việc giao nhiệm vụ đột phá, đổi mới của tỉnh không chỉ là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng mà đã tạo bước đột phá mới, giúp công tác đánh giá cán bộ thực chất hơn và nhiều điểm nghẽn, nguồn lực được khơi thông, góp phần từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục