Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết đại hội XIII

- Đại hội XIII của Đảng đã xác định tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó “xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.

Để thực hiện mục tiêu trên, Đại hội XIII của Đảng chủ trương: Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh đồng bộ cả kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Nguyên tắc đặt ra là “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện phân cấp, phân quyền, chống tha hóa quyền lực”.

Đây là lần đầu tiên, trong Văn kiện Đại hội, Đảng ta đề cập một cách quyết liệt đối với vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức “không có vùng cấm”, không có ngoại lệ. Có thể coi đây là bước đột phá sâu sắc, thể hiện rõ ý chí, quyết tâm chính trị của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài để gánh vác công việc mà Đảng và Nhân dân giao phó. Mục đích của việc kiểm soát này, không chỉ dừng lại ở việc “chạy chức, chạy quyền” mà quan trọng hơn là phải thu hút, trọng dụng được nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”.

Cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng là phải theo hướng đa chiều, đại diện với nhiều kênh khác nhau như: kiểm soát bằng thể chế, kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm; kiểm soát của cấp trên với cấp dưới và ngược lại; kiểm soát chéo giữa các cơ quan, tổ chức; kiểm soát của cơ quan chức năng với kiểm soát của báo chí, dư luận xã hội… đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa kiểm soát trong Đảng với kiểm soát của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thực sự có hiệu quả, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu để trở thành người thực sự có “tâm”, có “tầm”, vượt qua những cám dỗ của quyền lực và đồng tiền. Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình, coi trọng kiểm tra việc sửa chữa  khắc phục hạn chế, khuyết điểm... Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài danh vọng; thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người cán bộ, đảng viên.

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ phải trên cơ sở kết hợp giữa xây và chống, lấy xây là chính, chống phải nghiêm minh, lấy chống để xây. Quyết tâm của Đảng đã trở thành động lực to lớn, nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân nhằm góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục