Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị

- Trong quá trình hình thành và phát triển, Đảng bộ tỉnh luôn xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt. Đó chính là nền tảng quan trọng để giữ vững kỷ cương, kỷ luật, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Sứ mệnh của Đảng

Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Tuyên Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sự kiện đánh dấu cho sự hình thành của Đảng bộ tỉnh đó là thành lập Chi bộ Mỏ Than vào ngày 20/3/1940. Chi bộ Mỏ Than được thành lập tại nhà đồng chí Cả Kiến (tức Ninh Văn Kiến), nay là tổ 12, phường Minh Xuân. Chi bộ Mỏ Than gồm 7 đồng chí: Vũ Mùi, Lương Quang Mai, Trần Xuân Hồng, Bùi Văn Đức, Lương Hải Bằng, Trần Hải Kế, Trần Thị Minh Châu. Đồng chí Vũ Mùi được chỉ định làm Bí thư Chi bộ.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm khảo sát tiềm năng phát triển du lịch xã Hồng Thái (Na Hang).

Từ Chi bộ Cộng sản đầu tiên, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã từng bước phát triển, không ngừng lớn mạnh. Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô Khu Giải phóng, là nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại năm 1945 giành chính quyền trong cả nước. Đồng thời Đảng bộ tỉnh cũng lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền trên phạm vi toàn tỉnh. Trong kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt vai trò của Thủ đô Kháng chiến, làm nhiệm vụ hậu phương, tiếp tục cuộc kháng chiến kiến quốc đến thắng lợi hoàn toàn. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân vừa thực hiện phát triển kinh tế xây dựng quê hương vừa làm tròn nghĩa vụ hậu phương cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Bước vào công cuộc đổi mới, đặc biệt từ ngày tái lập tỉnh (năm 1991), Đảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo nhân dân nỗ lực vươn lên, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách, đưa tỉnh nhà thoát khỏi tỉnh nghèo, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước phát triển. Kể từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất diễn ra vào tháng 4-1951 đến nay, qua 17 kỳ đại hội. Trong mỗi giai đoạn phát triển ấy, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn có những dấu ấn quan trọng, là điểm tựa vững chắc cho những quyết sách của Đảng, những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cũng chính từ quá trình đó, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố vững chắc. Đảng bộ tỉnh cũng không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn để thật sự xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Tăng cường niềm tin của dân

Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh đang nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Cùng với nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng tiếp tục tăng cường ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đảng bộ tỉnh triển khai nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, tập trung vào chỉnh sửa lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ theo hướng sát dân, gần dân. Đồng thời, nghiêm túc đẩy mạnh các biện pháp giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên; đấu tranh với những biểu hiện thoái hóa, biến chất; siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy chính quyền.

Điều này được biểu hiện rõ nét qua việc tỉnh đổi mới cách thức đặt hàng, giao nhiệm vụ cho tập thể, cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện cơ chế giám sát tiến độ, chất lượng, hiệu quả công tác, ràng buộc trách nhiệm, quyền hạn cụ thể; rà soát, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong các cơ quan, đơn vị; phát hiện những vấn đề mới phát sinh, để đề ra kế hoạch, lộ trình, giải pháp khắc phục.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nông Thị Bích Huệ trao Giấy khen cho các cá nhân đạt giải Nhất Cuộc thi “Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Đồng chí Đỗ Xuân Phúc, Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Sơn Dương cho biết: Năm 2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Dương đã thực hiện giao nhiệm vụ đột phá, đổi mới cho 92 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trưởng các phòng, ban chuyên môn của huyện, các đồng chí bí thư, phó bí thư, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Qua việc giao nhiệm vụ đột phá, việc mới của Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Dương sẽ đánh giá được năng lực, khả năng lãnh đạo, điều hành công việc của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trưởng các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện, các đồng chí bí thư, phó bí thư, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Từ đó, kịp thời giải quyết được những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị và những việc phát sinh tại cơ sở.

Cùng với đó, các cấp ủy trong toàn tỉnh đều triển khai, thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là lãnh đạo cấp ủy, người đứng đầu; nâng cao ý thức trách nhiệm tự phê bình và phê bình, chấn chỉnh tác phong, tinh thần thái độ, phục vụ nhân dân; quan tâm xây dựng, phát hiện, biểu dương điển hình, tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Bắt đầu quý IV từ năm 2021, tỉnh thực hiện chủ trương đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã dành ít nhất 01 ngày/tháng về thôn, bản theo phương châm “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân để tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân và nâng cao kiến thức thực tiễn, kịp thời phát hiện giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở.

Đồng chí Lê Văn Quốc, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy chia sẻ: các hoạt động tại cơ sở được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng vào việc tham gia lao động vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại, xử lý rác thải, trồng hoa, trồng cây xanh, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn; tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân; xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo; hướng dẫn nhân dân chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh... Trên hết đó là hình ảnh người cán bộ đảng viên gắn bó với nhân dân.

Tỉnh ủy đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy gắn với trách nhiệm của cấp ủy viên các cấp. Song song với đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tiến hành đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và công tác thanh, kiểm tra, giám sát của chính quyền. Để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt kết quả toàn diện, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tỉnh quan tâm sâu sát, chú trọng các giải pháp mang tính phát hiện từ sớm, từ xa, “tự soi”, “tự sửa”. Đồng thời, quyết liệt đấu tranh chống sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí một cách chủ động, đồng bộ, nhất là việc phòng chống các biểu hiện suy thoái. Qua đó, góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố vững chắc niềm tin trong nhân dân. Từ đầu năm đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 165 đảng viên, có 35 cấp ủy viên.

Nhờ đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã góp phần quan trọng củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh tới cơ sở tiếp tục được giữ vững; dân chủ trong Đảng được mở rộng, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội và cả hệ thống chính trị; tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.                      

Bài, ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục