Bà Tỵ bảo vệ môi trường

- Đã 6 năm nay, bà Đặng Thị Tỵ (trong ảnh), hội viên Chi hội phụ nữ tổ dân phố 2, phường An Tường (TP Tuyên Quang) đã thực hiện việc đan làn từ những đoạn dây dứa để vừa kiếm thêm thu nhập vừa tặng cho người cần.

Bà Tỵ chia sẻ, năm 2017 một người em gái của bà ở thành phố Hồ Chí Minh về nhà bà chơi. Cô ấy đem câu chuyện về phong trào phòng, chống rác thải nhựa và ô nhiễm môi trường ở nơi cô ấy sống kể cho bà nghe, khiến bà vô cùng hào hứng và thích thú. Ở đó, các chị em tận dụng những đoạn dây dứa bỏ đi để làm thành những chiếc làn xinh xắn và tặng cho nhau để đựng đồ. Bà được hướng dẫn và truyền lại cho cách làm. Chỉ sau ba ngày bà đã đan làn thuần thục. Từ đó đến nay, những lúc rảnh dỗi, bà vẫn đi đến các bưu điện, các nhà đang xây dựng để xin, lượm nhặt các dây dứa đã sử dụng. Bà đem các đoạn dây dứa rửa sạch, phơi khô, rồi ép cho phẳng. Hàng ngày rảnh lúc nào, bà đan lúc ấy. Những chiếc làn được đan theo kích cỡ của từng đoạn dây. Dây dài thì đan làn to, dây ngắn thì đan làn nhỏ. Phần thân của chiếc làn được đan theo kiểu nong mốt, còn phần quai làn thì bà làm bằng các đoạn ống ti ô bằng nhựa. Trung bình cứ 1-2 ngày bà đan xong một chiếc làn. Những chiếc làn với các nan nhiều màu sắc xanh, đỏ, vàng trông rất xinh xắn. Bà thường sử dụng làn đi chợ đựng thực phẩm hoặc đựng bánh để mang đi làm đồ lễ. Thấy làn đẹp, lại chắc chắn nên có nhiều người xin, có người hỏi mua để trồng hoa trang trí.

Bà Tỵ cho biết thêm, là công nhân về hưu nên bà có nhiều thời gian để làm làn. Bà không nhớ mình đã đan được bao nhiêu chiếc và tặng cho bao nhiêu người, chỉ biết việc làm ấy giúp bà cảm thấy yêu đời hơn và thấy nó có ý nghĩa. Đây cũng là cách để bà góp phần nhỏ bé tuyên truyền đến mọi người, đến các chị em về ý thức thực hành tiết kiệm, về chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Thị Giang, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ 2 cho biết, mặc dù bà Tỵ tuổi đã cao nhưng bà vẫn tham gia công tác Hội và các phong trào phụ nữ. Không chỉ đan làn, bà Tỵ còn tham gia hoạt động thu gom rác thải nhựa cùng chi hội, tham gia văn nghệ, dưỡng sinh của tổ. Hiện nay, việc làm của bà đã được một số chị em trong chi hội đến học tập. Hội LHPN phường An Tường đã có dự định tới đây chọn chi hội làm điểm thực hiện mô hình này và nhân rộng đến các chi hội khác.

Bài, ảnh: Thu Hương

Tin cùng chuyên mục