Dạy tiếng Anh cho học sinh dân tộc thiểu số

- Người ta vẫn bảo: Khó... như dạy tiếng Anh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và trong hành trình 17 năm gắn bó với trường Tiểu học Công Đa, xã Công Đa (Yên Sơn), cô giáo bộ môn tiếng Anh Trần Thị Bích Ngọc (trong ảnh) đã bền bỉ trèo đèo, lội suối đến từng điểm trường sâu xa nhất, khó nhất, nhiệt huyết truyền tải kiến thức ngôn ngữ thứ 3 cho học trò dân tộc thiểu số. Đặc biệt, ngay cả khi mang trong người căn bệnh ung thư quái ác, cô vẫn chưa bao giờ thôi yêu nghề, mến trẻ.

Bắt đầu từ năm học này, trường Tiểu học Công Đa ghép với trường THCS Công Đa thành trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Công Đa. Khối Tiểu học dồn ghép từ 7 điểm xuống còn 3 điểm trường. Vì thế, cô giáo Ngọc cũng bớt nỗi gian truân, không phải vừa cõng chữ, vừa cõng bệnh đến những điểm trường khó nhất, xa nhất nữa.

Năm 2017, một biến cố xảy ra khi cô giáo Ngọc phát hiện mình đã mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Trong 3 năm liên tục, chị phải điều trị thường xuyên tại Hà Nội. Từ một cô giáo khỏe mạnh 52 kg, chị sụt cân chỉ còn 37 kg. Căn bệnh quái ác khiến chị suy kiệt về thể xác, về kinh tế. Cô giáo Ngọc bày tỏ, động lực lớn lao để chị vượt qua mọi khó khăn, để không bỏ cuộc đó là chị luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu, các đồng nghiệp; chăm sóc tận tình của gia đình; đặc biệt là lòng yêu nghề.

Giai đoạn chị điều trị bệnh, bộ môn tiếng Anh vẫn bị thiếu giáo viên. Mặc dù ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà nhưng khi được trở về trường, lớp học sau mỗi đợt xạ trị đau đớn, mệt mỏi, chị lại cười tươi, tận tụy với học trò. Dẫu chỉ còn 37 kg, sức khỏe yếu, chị nhờ chồng hay đi nhờ xe đồng nghiệp đưa đến 7 điểm trường. Những  điểm trường xa và khó chị còn phải đi bộ thêm 2-3 km nữa để dạy bù tiết cho học sinh.

Học sinh của cô giáo Ngọc chủ yếu  là học trò người Dao, Tày, Mông… Do tiếng giao tiếp của học sinh vẫn là tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ thứ hai là tiếng Việt, nên khi tiếp xúc với ngôn ngữ thứ ba là tiếng Anh thì việc dạy và  học của cô và trò muôn vàn khó khăn. Những năm học qua, chị Ngọc tích cực tìm tòi, học hỏi, ứng dụng công nghệ thông tin, hình ảnh trực quan vào giảng dạy tại điểm trường xa xôi nhất. Chị tạo thêm nhiều hứng thú, động lực cho học sinh bằng việc động viên, khuyến khích học sinh tham gia trò chơi học tập để thực hành kiến thức vừa học. Bên cạnh đó, chị còn tích cực bồi dưỡng các em học sinh có năng khiếu 1 buổi/tuần, thường xuyên phụ đạo cho học sinh yếu ngay trên lớp. Hàng năm, 100% học sinh học bộ môn tiếng Anh do cô giáo Ngọc giảng dạy đều hoàn thành môn học trở lên.

Thầy giáo Nguyễn Quang Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nỗ lực vượt khó dạy tốt của cô giáo Ngọc luôn là tấm gương để đội ngũ giáo viên nhà trường noi theo. Nhờ nghị lực, luôn giữ lòng yêu nghề, tinh thần lạc quan, chị Ngọc đã từng bước chiến thắng được bệnh tật. Hơn 1 năm qua, bệnh của chị đã được kiểm soát, sức khỏe tốt hơn. Năm học 2020 - 2021, chị được UBND huyện khen thưởng danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Năm học 2021 - 2022, chị Ngọc là 1 trong 6 giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nhà trường.

Bài, ảnh: Minh Huệ

Tin cùng chuyên mục