"Khu cách ly là nhà, công dân cách ly là người thân"

- Bắt đầu từ 23h ngày 8-5, khu cách ly tập trung của thành phố Tuyên Quang tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang kích hoạt, Đại úy Nguyễn Văn Bằng được cấp trên được giao nhiệm vụ quản lý, đảm bảo ăn uống cho công dân và lực lượng phục vụ khu cách ly.

Đại úy Nguyễn Văn Bằng.

Là trợ lý Quân lực, lần đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ, anh Bằng gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Song với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao, tận tụy, anh Bằng cùng đồng đội nỗ lực đảm bảo mỗi bữa cơm ngon lành nhất, vệ sinh an toàn thực phẩm nhất đến mọi người.

Số công dân cách ly và lực lượng y tế, công an, quân đội tại đây có lúc lên tới gần 70 người. Công dân cách ly có nhiều người già và cả trẻ em. Cùng với anh Bằng, Ban CHQS thành phố có 4 cán bộ tham gia nấu ăn. Trên cơ sở tiêu chuẩn, chế độ ăn của bộ đội, anh Bằng xây dựng thực đơn theo tuần, theo ngày, đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Theo đó, mỗi bữa 5 món, mỗi món ăn lặp lại sau 3 ngày. Ngoài ra, anh còn luôn đáp ứng đúng yêu cầu của gia đình có trẻ nhỏ như cháo, sữa… Sau mỗi bữa ăn, anh nhờ nhân viên y tế nắm lại phản hồi, góp ý về các món ăn của người dân để điều chỉnh cho phù hợp.

Ngày nào cũng vậy, anh Bằng thức dậy sớm nhất từ 4h30 sáng. Cơm vừa chín thì những cán bộ khác thức dậy cùng sơ chế thực phẩm, chuẩn bị cho bữa sáng. Anh Bằng thành thực chia sẻ: “Một ngày 3 bữa cơm với từ 150-200 suất cơm mà 5 anh em chúng tôi luôn chân, luôn tay từ sáng sớm đến 8 giờ tối. Cả ngày ai cũng vất vả rồi, mình là phụ trách chính, dậy sớm một chút để đồng đội mình được ngủ thêm lấy sức”.

Có những hôm, khu cách ly tiếp nhận công dân đột xuất vào đúng giờ ăn trưa hoặc ăn tối, anh Bằng và các đồng đội nhường lại suất cơm của mình cho người dân. Điều kiện sinh hoạt ở khu cách ly còn thiếu thốn, khu nghỉ ngơi và bếp nấu ăn lợp mái tôn nên việc nấu nướng, phục vụ giữa cái nắng nóng của mùa hè như thách thức sự nhẫn nại, vất vả của người lính. “So với đồng đội ở các tâm dịch, hay biên giới, chúng tôi có vất vả đến mấy cũng không thấm tháp vào đâu nên cứ động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ” - anh Bằng chia sẻ.

Sau 21 ngày cách ly đợt 1, một mình anh Bằng ở lại khu cách ly để trông coi cơ sở vật chất. Đợt 2 này, từ ngày 20-6, khu cách ly tiếp nhận 19 công dân của các huyện trở về từ tỉnh Bắc Giang. Khu cách ly là “trạm trung chuyển”, công dân chỉ ở đây vài ngày rồi được các huyện đón. Hàng ngày, anh Bằng phải nắm chắc biến động công dân để nấu ăn đúng, đủ số lượng, không để lãng phí.  Anh Bằng bày tỏ: “Trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các khu cách ly luôn sẵn sàng tiếp nhận công dân. Cán bộ chúng tôi luôn coi khu cách ly là nhà, công dân cách ly là người thân để phục vụ với tinh thần, trách nhiệm cao nhất”.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục