Tận tình với người dân trong khu cách ly

- Trong 2 năm 2020, 2021, khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 của huyện Yên Sơn được “kích hoạt” 3 lần thì cả 3 lần đó, Trung tá Nguyễn Xuân Hồi, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Yên Sơn được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động của khu cách ly. Trung tá Nguyễn Xuân Hồi đã phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ chủ trì, làm tốt công tác dân vận gắn với thực hành dân chủ. Qua đó, góp phần đảm bảo đúng quyền lợi hợp pháp của công dân cách ly.

Anh Hồi bày tỏ, so với năm 2020 thì năm 2021, công tác quản lý khu cách ly khó khăn hơn rất nhiều. Năm 2020, Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ 100% tiền ăn, sinh hoạt cho công dân tại khu cách ly thì năm nay thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08-02-2021, công dân phải tự chi trả tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày cho cơ sở cách ly tập trung. Riêng hộ nghèo, cận nghèo, công dân dưới 16 tuổi được hỗ trợ 100% tiền ăn. Hội Chữ thập đỏ huyện đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của huyện đã phát động ủng hộ khu cách ly nhằm giảm tối đa chi phí cho công dân cách ly. Đây là hoạt động ý nghĩa, nhân văn song cũng là thách thức đối với cán bộ quản lý khu cách ly.

Trung tá Nguyễn Xuân Hồi (bên trái), Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Yên Sơn
giám sát chất lượng bữa ăn tại khu cách ly tập trung của huyện.

Anh Hồi luôn xác định, thực hành dân chủ, công khai, minh bạch chế độ ăn cho lực lượng phục vụ, công dân cách ly là rất quan trọng và không phải việc dễ dàng. Nếu làm không tốt, công dân sẽ mất lòng tin với Đảng, Nhà nước, lực lượng tuyến đầu. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 597 công dân cách ly. Khu cách ly tiếp nhận hơn 80 triệu đồng tiền mặt, 300 thùng mỳ tôm, 2.500 kg rau, củ, quả, gần 3.000 kg gạo. Với tiền mặt, tùy theo số tiền thời điểm tiếp nhận, anh Hồi tham mưu, chỉ đạo chia số tiền theo bình quân đầu người có tại thời điểm đó; chế độ cán bộ phục vụ và công dân được nhận bằng nhau; số tiền được trừ trực tiếp vào tiền ăn của công dân. Số lượng lương thực, thực phẩm tiếp nhận từ ủng hộ, anh Hồi yêu cầu ghi chép tỉ mỉ số lượng nhập bếp hàng ngày và tính theo giá thị trường.

Lực lượng làm việc tại bếp ăn phải cân đối thực phẩm, khẩu phần ăn cho mỗi công dân. Nhờ ghi chép tỉ mỉ, chấm cơm chi tiết, anh Hồi và cán bộ phụ trách bếp ăn đều công khai, minh bạch, giải thích cho người dân hiểu. Qua đó, 100% công dân rời khu cách ly đều tự giác chấp hành nộp tiền ăn theo đúng quy định, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Ông Vương Văn Việt, thôn Trại Xoan, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) bày tỏ: “Theo quy định, trong 21 ngày cách ly, tôi phải nộp tiền ăn gần 1,7 triệu đồng song tôi chỉ phải nộp là 796 nghìn đồng. Khi nộp tiền, anh Hồi giải thích cặn kẽ, công khai chi tiết số tiền tôi được trừ, lý do được trừ. Tôi hoàn toàn yên tâm và tin tưởng vào đội ngũ phục vụ khu cách ly”.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hoạt động của khu cách ly là lâu dài. Trên cương vị, chức trách được giao, anh Hồi sẽ tiếp tục cập nhật, nghiên cứu chỉ đạo cấp trên về phòng, chống dịch, nhất là thực hiện chế độ, chính sách đối với công dân cách ly đúng quy định. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ trong đảm bảo tiêu chuẩn, chế độ ăn cho lực lượng phục vụ và công dân, góp phần xây dựng, củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục