Trái ngọt từ hăng say lao động

- Anh Hoàng Văn Việt, dân tộc Tày, thôn Đoàn Kết, xã Lực Hành (Yên Sơn) là con liệt sỹ. Anh là con một, trụ cột của gia đình. Từ 2 bàn tay trắng, anh Việt đã vượt khó vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo và xây dựng mô hình kinh tế trang trại, cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm.

Anh Hoàng Văn Việt

Anh Việt kể, bố anh hy sinh ở chiến trường vào tháng 2-1975, khi ấy anh mới 3 tuổi. Lớn lên trong nghèo khó, trong sự lam lũ, tảo tần của mẹ, anh đã nuôi ý chí phải thoát nghèo, phải có cuộc sống khấm khá hơn để báo hiếu mẹ. Những năm đầu của thập niên 2000, trong khi nhiều hộ dân không mặn mà với rừng thì anh trở thành 1 trong những hộ đầu tiên của xã trồng cây lấy gỗ với diện tích 3 ha. Anh Việt luôn tin tưởng vào con đường mình chọn. Trồng rừng chống xói mòn, tốn ít công chăm sóc, nếu để cây khoảng 10 năm tuổi mới khai thác thì giá trị sẽ gấp 3 lần so với bán non khoảng 4 - 5 tuổi.

Trong khi chờ nguồn thu từ rừng, anh Việt đi nhiều nơi, tìm tòi và áp dụng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương. Anh từng trải qua các nghề: trồng, thu mua dong riềng, sản xuất bột dong riềng, làm dịch vụ xúc ủi, nuôi ong lấy mật, chăn nuôi lợn và gia cầm... Anh giãi bày: “Làm nông nghiệp vốn vất vả, gian nan, chúng tôi từng mất trắng vì dịch bệnh, thị trường bấp bênh, không có đầu ra sản phẩm... Vợ chồng tôi động viên nhau không được nản chí, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn”.

Làm lãi được đến đâu, anh ky cóp mua thêm đất rừng, đất màu đồi, trồng keo và bồ đề, cây ăn quả. Năm 2015, anh Việt xây được ngôi nhà sàn bê tông khang trang trị giá trên 500 triệu đồng. Gia đình anh chính thức thoát nghèo bền vững. Năm 2019, mô hình kinh tế tổng hợp của anh Việt gồm trồng rừng, trồng cây ăn quả, trồng màu, nuôi ong lấy mật dưới tán rừng, chăn nuôi gia cầm được công nhận là trang trại. Anh được hỗ trợ vay vốn 500 triệu đồng theo Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Nguồn vốn đã giúp anh mở thêm diện tích rừng, đầu tư phát triển sản xuất, là bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế của gia đình anh.

Từ năm 2014, gia đình anh bắt đầu được khai thác chu kỳ rừng đầu tiên và hiện nay đang chuẩn bị được khai thác chu kỳ thứ 2. Hiện anh có 15 ha đất sản xuất. Anh bàn giao lại 3 ha rừng cho các con, còn lại 12 ha. Trong đó, 5 ha rừng 5 năm tuổi, 3 ha rừng 2 năm tuổi, 2 ha bưởi và cam, 1 ha trồng ngô và dong riềng, 1 ha cây gáo. Sau khi đi tham quan mô hình kinh tế tại tỉnh Yên Bái, tháng 4-2019, anh Việt đưa cây gáo về địa phương và trở thành hộ đầu tiên trồng cây gáo ở Lực Hành.

Hàng năm, sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế trang trại của anh cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Ông Triệu Văn Lan, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, hiện nay, Hội đang làm hồ sơ đề nghị hộ gia đình anh Việt đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Mặc dù từng là hộ gia đình chính sách nghèo nhưng anh Việt đã không trông chờ, ỷ lại vào Đảng, Nhà nước mà đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. 

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục