Diện mạo mới

- Mùa xuân này niềm vui như nhân lên với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện Lâm Bình khi xã Lăng Can được công nhận đạt đô thị loại V và trở thành thị trấn trong nay mai. Những công trình mới làm thay đổi diện mạo vùng đất khó này. Lâm Bình giờ đã có nhiều thay đổi, điện về khắp bản, đường bê tông, đường nhựa về khắp nẻo, đời sống người dân từng bước được nâng cao.

Niềm vui nhân đôi

Chưa Tết nào người dân thôn Khau Cau, Nà Khậu, xã Phúc Yên lại vui như Tết nay bởi  điện lưới quốc gia đã kéo về đến mỗi gia đình, tuyến đường từ Phúc Yên đi Khau Cau cũng được trải nhựa rộng rãi và kịp đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán.

Anh Triệu Tài Phú, dân tộc Dao ở thôn Khau Cau không giấu nổi niềm vui khi điện lưới quốc gia về đến tận nhà mình. Lúc bóng điện bật lên sáng trưng, ti vi nét căng mà cứ ngỡ đang ở trong mơ. Nhưng đó là hiện thực rồi. Có điện, có đường, sản xuất sẽ thuận hơn. Anh Phú tin nay mai thôi, vùng đất này sẽ thay đổi, bởi đường thuận, du khách sẽ đến đây trải nghiệm khu rừng nguyên sinh có rất nhiều cây cổ thụ. Anh sẽ đầu tư chăn nuôi, trồng rau đặc sản, bán cho du khách, sẽ thu được tiền đấy. 


 Một góc trung tâm huyện Lâm Bình.

Trước kia, tuyến đường từ trung tâm xã Bình An vào thôn Tiên Tốc nắng thì bụi mưa thì lầy lội, người dân làm cái gì cũng khó. Cuộc sống của bà con người Mông ở Tiên tốc đã thay đổi kể từ khi tuyến đường vào thôn được mở rộng và trải nhựa sạch đẹp. Trưởng thôn Tiên Tốc Cháng A Bào kể lại, trước đây việc đi lại của người dân khổ lắm, cứ phải “trông trời, trông đất, trông mây”. Sợ nhất là trời mưa đất bùn lầy lội đi bộ còn khó. Kể từ khi có đường mới mà bà con ra trung tâm xã, trung tâm huyện hết sức thuận lợi, thương lái tìm vào tận thôn thu mua nông sản của bà con. Nhiều hộ đã đầu tư, phát triển nuôi trâu, bò nhốt chuồng, phát triển mô hình trồng trọt hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Hệ thống trường lớp trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp tạo môi trường tốt cho giáo viên và học sinh dạy và học. Cô giáo Quan Thị Bích, Hiệu trưởng trường Mầm non Khuôn Hà nói, từ năm 2018 trường được đầu tư xây dựng mới khang trang đáp ứng tiêu chí trường chuẩn quốc gia với các dãy nhà 2 tầng, có đầy đủ phòng học, phòng chức năng, nhà ăn, khu vui chơi cho trẻ... đã tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục, tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến trường luôn đạt 100%.

Giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng trên 120 công trình, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng ở trung tâm huyện và các xã. Nhiều công trình đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng, nâng tỷ lệ đường nhựa, đường bê tông đến trung tâm các xã đạt hơn 97%, đến các thôn đạt hơn 88%. Toàn huyện đã kiên cố hóa hơn 51 km kênh mương nội đồng, xây dựng trên 110 km đường điện chiếu sáng ở trung tâm huyện, các khu dân cư và các thôn trên địa bàn, đầu tư xây dựng hơn 60 công trình trường, phòng học, nhà hiệu bộ cho giáo viên. Đến nay, 100% số thôn trên địa bàn đã có điện lưới quốc gia và nhà văn hóa, 8/8 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới tại các xã đạt trung bình 14,5 tiêu chí/xã...

Vươn tới tương lai

Sau 10 năm thành lập và phát triển, huyện Lâm Bình đã có một diện mạo mới căng đầy sức sống, hệ thống hạ tầng từng bước được đầu tư, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2020 - 2025, huyện đã đề ra nhiều nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng đưa vùng đất 99 ngọn núi phát triển không ngừng.


Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình
và Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, lãnh đạo tỉnh trong chuyến thăm và làm việc tại
trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lâm Bình (Lâm Bình). Ảnh: Minh Hoa.

Theo đó, huyện tập trung thực hiện tốt 2 khâu đột phá là phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững; phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời từng bước nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề vững chắc để huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo; tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông kết nối vùng và hạ tầng du lịch. Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, xây dựng Lâm Bình phát triển toàn diện, vững chắc.

Gia đình ông Hoàng Ngọc Chỉ ở thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can trong năm qua đã thực hiện hiệu quả chủ trương của huyện, xã trong phát triển cây con đặc sản và có thu nhập ổn định nhờ mô hình trồng rau bò khai. Ông Chỉ bảo, năm nay ông đã 71 tuổi, giờ chứng kiến sự phát triển của quê hương, ông thật vui và hạnh phúc. Khi biết xã Lăng Can được công nhận là đô thị loại V ông vui lắm, hy vọng trong tương lai không xa quê ông sẽ có nhiều khu phố sầm uất, người dân mở mang phát triển buôn bán, kinh doanh để có cuộc sống ngày càng sung túc hơn.

Năm 2020, kinh tế của huyện Lâm Bình trên đà tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất các ngành phát triển khá, du lịch có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 31,44%. Những kết quả quan trọng đó tạo động lực mạnh mẽ để huyện Lâm Bình tiếp tục có nhiều bứt phá trong tương lai.

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục