Góp sức xây dựng những con đường mơ ước

- Năm 2022 với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm cao, cán bộ, nhân viên, người lao động của Ban Quản lý Dự án đầu tư, xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp sức xây dựng những con đường, cây cầu mơ ước đang được hình thành trên địa bàn tỉnh.

Cầu Đoan Hùng thuộc dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang được thi công vượt tiến độ đề ra.

Ban Quản lý Dự án đầu tư, xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông với tầm quan trọng, sức lan tỏa lớn. Hiện, Ban Quản lý đang làm chủ đầu tư của các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh như: Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Dự án xây dựng cầu qua sông Lô, km 71 đường Tuyên Quang - Hà Giang đi Bạch Xa (Hàm Yên); Dự án xây dựng cầu Xuân Vân (Yên Sơn) vượt sông Gâm; Dự án xây dựng cầu Trắng 2 qua sông Phó Đáy đi khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương)... Ban Quản lý đang tiến hành chuẩn bị các bước và giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang phục vụ khởi công xây dựng vào đầu năm 2023.

Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được xây dựng là bước ngoặt lịch sử để Tuyên Quang thực hiện tốt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư công trình. Yêu cầu tổ chức triển khai xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đảm bảo tiến độ, hiệu quả, chất lượng cũng là nhiệm vụ đột phá được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang giao đồng chí Trần Viết Cương, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Ban Quản lý dự án.

Đồng chí Trần Viết Cương tâm sự, được giao nhiệm vụ tổ chức triển khai xây dựng cao tốc không khỏi lo lắng. Bởi đây là công trình lớn, có chiều dài hơn 40 km nhưng đi qua địa bàn tỉnh hơn 11 km, còn lại là qua địa phận tỉnh Phú Thọ. Do vậy, việc phối hợp tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng công trình đúng tiến độ là yếu tố quyết định. Đồng chí đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong cấp ủy, ban giám đốc và nhận phụ trách địa bàn khó nhất là huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Riêng địa bàn này tuyến cao tốc đi qua hơn 17 km, với 400 hộ phải đền bù, giải phóng mặt bằng. Vậy là đồng chí Cương cũng như các đồng chí trong cấp ủy, ban giám đốc ăn cơm đường nhiều hơn ăn cơm nhà, “cắm” chốt ở các địa phương để phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh cũng như tỉnh Phú Thọ tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng thi công công trình.

Từ kinh nghiệm xây dựng các công trình trọng điểm, đồng chí Trần Viết Cương cho rằng, muốn giải phóng mặt bằng thì phải làm cho người dân hiểu chủ trương, chính sách, chế độ bồi thường để nhượng đất cho các công trình. Đây là vấn đề cốt lõi, do đó phải bám nắm cơ sở để lắng nghe nguyện vọng của người dân cùng tháo gỡ vướng mắc. Khi được người dân ủng hộ, đồng thuận, mọi việc sẽ thông suốt. Quyết liệt đêm, ngày, tuyến Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang dần hình thành, đúng mục tiêu đề ra, dự kiến năm 2023 sẽ khai thác, vận hành hòa vào mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam.

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 122 Vĩnh Thịnh thi công gói thầu 27 đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đoạn qua huyện Đoan Hùng (Phú Thọ).

Cùng với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ thì các công trình giao thông do Ban Quản lý  làm chủ đầu tư cũng đang bám sát tiến độ đề ra. Để có kết quả đó, lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý làm việc không có ngày nghỉ, phải tăng ca đến 23 giờ để tìm phương án thực hiện với quyết tâm cao nhất không để công việc tồn đọng, công trình tiến độ thi công chậm.

Năm 2023, Ban Quản lý sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về các chủ trương, giải pháp đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm do Ban Quản lý làm chủ đầu tư trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 -2025, góp phần hoàn thành tốt khâu đột phá về phát triển hạ tầng giao thông, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục