Những cây cầu vùng khó

- Không còn phải lội qua suối, hay đi qua cầu tre, cầu gỗ tạm bợ, những chiếc cầu dân sinh bằng bê tông vững chắc như tô thêm sắc xuân tươi mới đang về trên các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Những cây cầu nối nhịp yêu thương, mang đến một mùa xuân mới, kỳ vọng phát triển cho quê hương...

Xóa cầu tạm

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão, chúng tôi có dịp trở lại các xã đã được đầu tư xây dựng cầu dân sinh theo Nghị quyết số 55/2020/NQ-HĐND, ngày 20-11-2020 của HĐND tỉnh. Những cây cầu dân sinh bằng bê tông cốt thép có quy mô vừa và nhỏ nhưng đã gỡ “nút thắt”, giúp cho việc đi lại của người dân thuận lợi, an toàn hơn.

Cầu dân sinh tại thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ, Chiêm Hóa.

Về xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) những ngày đầu xuân mới đi trên con đường bê tông láng mịn khiến lòng người rộn rã. Đồng chí Ma Đình Sắc, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết, tại một số thôn, xóm giao thông bị chia cắt vào mùa mưa, nước lũ chảy siết, người dân đi lại rất nguy hiểm, đặc biệt là các em học sinh đi học. Điển hình là thôn Nặm Kép bị chia cắt bởi con suối, người dân mong mỏi cây cầu từ rất lâu rồi. Vậy nên, xã triển khai xây dựng cầu, người dân đều nhiệt tình ủng hộ, hiến đất, tạo điều kiện cho đơn vị thi công sớm hoàn thành cây cầu, tiêu biểu như hộ bà Ma Thị Giáp, tự nguyện hiến hàng trăm mét đất ở, đất sản xuất để làm cầu. Ông Lương Hải Tuyên, Trưởng thôn Nặm Kép phấn khởi bảo, “Tết này sẽ là cái Tết vui nhất của bà con nơi đây bởi con đường đã nối liền một rẻo, bà con đi chơi xuân, thăm thú nhau, thắt chặt đoàn kết cộng đồng”.

Xã Kháng Nhật (Sơn Dương) nằm men dưới chân dãy núi Tam Đảo, địa hình bị chia cắt bởi những con suối nhỏ. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, con đường vào xã Kháng Nhật hoa đào đua nhau khoe sắc. Thôn Lẹm từng là điểm khai thác mỏ năm xưa với loang lổ những hố đào, xẻ núi nhưng nay mảnh đất ấy đã khoác lên mình một màu xanh của rừng. Đường đi cũng thuận hơn, được kết nối bởi cây cầu bắc qua suối. Năm nay, người dân thôn Lẹm, không phải lội qua suối để đi chơi Tết nữa, ai cũng phấn khởi. Cây cầu sẽ kết nối giao thương buôn bán, giao lưu nhân dân giữa 2 xã Kháng Nhật và Hợp Hòa, tạo động lực cho phát triển.

Những cây cầu dân sinh được xây dựng tạo diện mạo mới nơi vùng khó, giúp người dân giao thương buôn bán, xây dựng cuộc sống no ấm.

Thêm kỳ vọng

Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025 đã được đông đảo người dân đón nhận và tự nguyện thực hiện, nhờ đó đã tạo cú huých quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Cầu dân sinh tại tổ dân phố Làng Chùa, thị trấn Lăng Can, Lâm Bình.

Ngày động thổ thi công cây cầu Nà Kham, thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang (Lâm Bình) vào đúng thời điểm lúa làm đòng nhưng các hộ dân đều tự nguyện cắt bỏ tạo điều kiện cho đơn vị thi công công trình. Ông Ma Đình Điện chia sẻ, ngày trước đường đi lối lại khổ quá, nay tỉnh có chủ trương làm cầu thì phải “chớp” lấy cơ hội chứ. Không chỉ hiến đất làm cầu, gia đình ông Điện còn cho công nhân thi công cầu ở nhờ, cùng ăn, cùng sinh hoạt như những người thân trong gia đình. Đến nay, công trình cầu dân sinh đã hoàn thành 90% khối lượng công việc, người dân thôn Nà Nghè ai cũng mừng vui vì Tết này có cầu mới, anh em họ mạc, bà con lối xóm đến chúc Tết nhau thuận lắm.

Những cây cầu dân sinh được xây dựng với phương châm Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí, nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng. Cầu rộng 4 m, dầm cầu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực đúc sẵn, áp dụng công nghệ bê tông cường độ cao... Đến nay, toàn tỉnh ta đã và đang triển khai thi công 70 cây cầu trên đường giao thông nông thôn. Tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2025, sẽ có 200 cây cầu dân sinh được xây dựng kết nối giao thông ở những thôn bản vùng sâu, vùng xa.

Thêm những cây cầu được xây dựng ở thôn, bản vùng khó là nhân lên những kỳ vọng về sự phát triển của quê hương. Ăn Tết xong, bà con ở các thôn bản lại tiếp tục cùng chính quyền địa phương bắt tay làm thêm những cây cầu mới, mở ra cơ hội mới trong hành trình vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ghi chép: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục