Nơi ấm cúng nhất của gia đình người Tày

- Cũng như người Tày ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Trước đây người Tày ở Tuyên Quang đều ở nhà sàn. Và trong mỗi ngôi nhà sàn của người Tày, bếp lửa có một vị trí hết sức quan trọng. Ở gian giữa nhà hay lùi lại phía gian sau một chút. Bếp của người Tày được đặt ở vị trí để nhiều người có thể ngồi xung quanh - đây là nơi ấm cúng nhất của mỗi gia đình.


Sinh hoạt văn nghệ bên bếp lửa. Ảnh: K.T 

                                        “Người ở nhà sàn làm cái bếp vuông

                                         Phía trên là chỗ của ông, của bố

                                         Chỗ của khay nước điếu cày

                                         Bên bếp là chỗ của bà, của mẹ

                                         Chỗ của cơi trầu bình vôi”

                                                         (Bếp lửa nhà sàn - Mai Liễu)

Sau một ngày làm việc vất vả, mọi người quây quần bên bếp lửa. Không chỉ để sưởi ấm vào mùa đông giá rét, bếp còn là nơi để mọi người trong gia đình kể lại những câu chuyện xảy ra trong ngày, bàn những chuyện lớn nhỏ của gia đình.

Thông thường, một cái bếp của người Tày có diện tích khoảng 1,5 m2. Người Tày dùng cái kiềng ba chân bằng gang lớn. Lúc nào trong bếp lửa cũng có một đến hai cây củi rất to, đây là cây củi cái. Cây củi này có vai trò giữ nguồn lửa chính, khi đốt, nó cứ âm ỉ cháy mãi, cháy cho đến lúc hết. Những cây củi khô nhỏ được xếp xung quanh, chụm lại ở một điểm là tâm kiềng. Trong bếp lửa của người Tày không thể thiếu những cây nứa, cây giang khô dễ bén lửa. Người Tày không nhóm bếp bằng giấy mà chẻ những mảnh đóm từ cây tre, nứa, phơi khô dùng dần. Chỉ cần một que diêm là đóm xòe lửa, lửa bén sang các cây nứa, giang, rồi lan sang các cây củi khô, tạo thành ngọn lửa hồng bập bùng kèm theo những tiếng nổ tí tách của những cây nứa, cây giang khi bén lửa. Người Tày có thể điều chỉnh ngọn lửa trong bếp bằng cách thêm nhiều củi, đóm cho bùng lên, hoặc cần lửa cháy âm ỉ thì bớt đi những cành củi khô nhỏ.

Quanh năm bếp lửa của người Tày không bao giờ bị tắt. Người Tày xưa có quan niệm nếu để bếp tắt hẳn thì gia đình không đầm ấm, hạnh phúc.

                                       “Cái bếp vuông đêm ngày mong đỏ lửa

                                        Cái kiềng tròn đợi nồi xuống, nồi lên

                                        Vuông tròn là sự ấm êm no đủ”

                                                       (Bếp lửa nhà sàn - Mai Liễu)

Cho nên, mỗi ngày, khi đun nấu xong, người ta dập bếp lại bằng cách dụi những cây củi đang cháy vào tro, đồng thời phủ tro lên than hồng. Đến khi cần đun bếp, người ta chỉ cần cời tro, thêm vài mảnh đóm, dùng ống thổi, thổi một hai hơi vào cây củi cái là bếp lửa lại cháy bùng lên.

Mùa đông ở miền núi thường lạnh, nhưng cái giá lạnh của mùa đông giữa núi rừng không làm cho bà con ngần ngại, bởi mọi người đã được bếp lửa to giữa nhà sưởi ấm. Quanh bếp lửa bập bùng, gương mặt ai cũng ửng hồng... Không nói ra, nhưng chắc hẳn mỗi người đều cảm thấy lòng bình an, ấm áp.

Cùng với sự phát triển của xã hội, người Tày ngày nay ít ở nhà sàn hơn. Bếp lửa giữa nhà cũng không còn. Âu cũng là sự thường tình của cuộc sống... Người già bây giờ đã có nhiều áo ấm hơn, nhưng nhiều người vẫn hoài niệm về ngôi nhà xưa với bếp lửa nồng đượm ấm cúng giữa nhà… Có người lặng lẽ nhặt nhạnh những cành củi khô đốt thành đống lửa nhỏ, ngồi lại, quây quần bên nhau để sống lại miền ký ức của dân tộc mình ngày xưa...

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục