Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, cho hôm nay và mai sau

- Di sản văn hóa là tài sản của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau theo hướng tích lũy, ngày càng phong phú trong môi trường văn hóa. Di sản văn hóa luôn gắn kết giữa truyền thống với hiện đại. Di sản văn hóa là hình bóng của quá khứ trong đời sống hiện tại, luôn tác động, ảnh hưởng tới tâm tư, tình cảm của con người, là nhân tố quan trọng hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc.

Giá trị của di sản văn hóa nằm ở chính sự độc đáo của nó. Mỗi di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có một giá trị riêng biệt, tiêu biểu cho từng vùng, miền, từng địa phương, từng dân tộc, với những sự sáng tạo trong cách thể hiện nội dung cũng như hình thức.

Bà Bàn Thị Minh, thôn Nắc Con, xã Yên Lâm (Hàm Yên) truyền dạy cho cháu gái thêu thùa trang phục.

Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa của dân tộc thiểu số là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, được Đảng, Nhà nước và các địa phương quan tâm, đã được thể hiện ở nhiều Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết của các cấp ủy địa phương. Tuy nhiên, muốn bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc thì trước hết phải hiểu biết sâu sắc về truyền thống, biết khơi dậy truyền thống và biết dựa trên nền tảng truyền thống để bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống.

Sự nghiệp xây dựng của chủ nghĩa xã hội ở nước ta đang diễn ra trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc, cùng với xu thế toàn cầu hóa càng tăng. Điều này càng đặt ra những yêu cầu cao đối với sự nghiệp “bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam... giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, trang 143). Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc được thể hiện trước hết ở việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc hiện nay cũng chính là những giá trị tiêu biểu của truyền thống văn hóa dân tộc. Do vậy phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phải gắn liền với công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.

Phát huy các di sản văn hóa dân tộc phải là sự giữ gìn, kế thừa và phát triển các sắc thái đa dạng, phong phú, sống động của từng dân tộc. Có bảo tồn và phát huy được các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thì mới phát triển được văn hóa trong hiện tại và tương lai. Bản sắc dân tộc của văn hóa được coi trọng thì dân tộc sẽ phát triển bền vững.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục