Bảo tồn văn hóa dân tộc qua các câu lạc bộ

- Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc những năm gần đây đã mang lại hiệu quả rõ nét thông qua hoạt động của các câu lạc bộ.

Tiếng khèn Xuân Lập, Lâm Bình.

Sơn Dương là huyện miền núi có gần 46% là đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện đã thành lập CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại nhiều xã trên địa bàn. Bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, toàn huyện duy trì hoạt động 31 đội văn nghệ xã, thị trấn;  495 đội văn nghệ cơ sở, 60 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ với trên 3.200 hội viên. Nổi bật là các CLB hát Soọng cô, Sình ca của một số xã như: Đại Phú, Thiện Kế, Ninh Lai, Sơn Nam; hát Then, đàn Tính của các xã Tân Trào, Trung Yên; CLB hát Sình ca xã Đồng Quý, Phú Lương; hát Sli - Lượn xã Bình Yên… Mỗi tiết mục đều được các nghệ nhân trong CLB biến tấu từ nét sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc như lễ hội cầu may diễn ra trong các lễ hội của đồng bào dân tộc Tày hay điệu múa chuông của dân tộc Dao Đỏ minh họa phong tục của dân tộc trong dịp đặt tên con, lễ thôi nôi, múa khèn của dân tộc Mông mừng đón xuân mới… Các CLB thường xuyên kết nạp các thành viên mới để truyền dạy, đồng thời đổi mới các tiết mục sao cho phong phú, hấp dẫn         trên cơ sở vẫn duy trì chất liệu truyền thống của các dân tộc.

Đến với Khuổi Khít xã Kiến Thiết (Yên Sơn), không chỉ được thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây, chúng tôi còn được tìm hiểu phong tục tập quán, nhất là về văn hóa dân tộc thông qua các điệu múa như: múa khèn, múa sênh tiền, các làn điệu dân ca Mông, trang phục truyền thống của dân tộc Mông, các kiểu thêu thổ cẩm. Chị Vàng Thị Hoa, Chủ nhiệm CLB múa khèn Mông thôn Khuổi Khít nói, đồng bào dân tộc Mông có nhiều nét văn hóa truyền thống, nhiều loại nhạc cụ hay, được ông cha lưu truyền cho con cháu qua nhiều đời nay. Tuy nhiên, nhiều nét văn hóa đặc sắc đó đang dần bị mai một.

Điệu hát múa chuông của dân tộc Dao thôn Tân Lập, xã Thổ Bình (Lâm Bình).

Để gìn giữ, duy trì các loại nhạc cụ dân tộc, các bài dân ca truyền thống của dân tộc Mông, từ năm 2012, một số nghệ nhân và những người yêu văn hóa Mông đã họp bàn, thống nhất thành lập CLB múa khèn Mông. Đến nay, CLB có 10 thành viên, đều là những người biết dùng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc Mông và một số nhạc cụ của các dân tộc khác. Mỗi tháng CLB sinh hoạt 1 lần để cùng nhau trao đổi, giao lưu chia sẻ kỹ năng sử dụng các nhạc cụ dân tộc. CLB thường xuyên giao lưu học hỏi, mời nghệ nhân ở một số nơi về truyền dạy kỹ năng sử dụng loại nhạc cụ cho thế hệ trẻ, tìm ra những nhân tố có năng lực tham gia CLB.

Mỗi người một công việc, hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người tham gia CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc còn có những điểm chung đó là tình yêu với bản sắc văn hóa dân tộc và mong ước được truyền lại cho thế hệ sau. Anh Phượng Văn Thắng, thành viên CLB hát Páo dung xã Tân Thành (Hàm Yên) chia sẻ, CLB đã thực sự gắn kết các thành viên lại với nhau, thường xuyên tập luyện nên kỹ năng, trình độ biểu diễn của mọi người không ngừng được nâng cao. Mỗi khi được mời tham dự một số sự kiện chính trị của địa phương, ban ngày dù mọi người có bận rộn đến mấy, song cứ đến 8 giờ tối, lại quây quần tại nhà văn hóa thôn để tập luyện. Có những hôm vội, mọi người tranh thủ tập cả buổi trưa để bảo đảm tốt chất lượng các tiết mục. Điều vui nhất, khi tham gia vào CLB trong buổi sinh hoạt, mọi người được truyền đạt và hiểu hơn về nghi lễ, phong tục tập quán của dân tộc mình như: Lễ cấp sắc, cầu bình an, cầu mùa, hát đối đáp…

Bà Húng Thị Cháng (bên trái) thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình)
 hướng dẫn cách thêu dệt trang phục truyền thống..

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh duy trì 138/138 đội văn nghệ quần chúng xã, phường, thị trấn;   2.638 tổ, đội văn nghệ quần chúng ở thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang, trên 50 câu lạc bộ đàn và hát dân ca, trên 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, 6 câu lạc bộ hát Páo dung, bảo tồn của dân tộc Dao, 13 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan được duy trì hoạt động thường xuyên, mỗi năm biểu diễn trên 10.300 buổi phục vụ quần chúng nhân dân. Hàng năm, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện, thành phố thường xuyên tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng, Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số từ tỉnh đến cơ sở gắn với các sự kiện văn hóa, chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương, chương trình xây dựng nông thôn mới, chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… thu hút đông đảo diễn viên quần chúng, nghệ nhân văn hóa dân gian tham gia.

Với những nét độc đáo của mỗi CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu của các dân tộc, góp phần gìn giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc cho thế hệ sau.

Minh Thủy

Tin cùng chuyên mục