Bước chân không mỏi

- Giống như chiếc đồng hồ quả lắc, người thương binh hạng 3/4 Tạ Quang Vinh, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 12, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) đều đặn góp mình vào công việc của xóm, của tổ suốt 17 năm qua. Chuyện vui chuyện buồn, chuyện người chuyện mình, ông đều góp nhặt lại, để sống ngày hôm nay tốt hơn, tròn vẹn hơn ngày hôm qua.

Ký ức người lính


 Cựu chiến binh Tạ Quang Vinh và cuốn sổ lưu lại những
hình ảnh chụp với đồng đội trong những lần họp mặt.

Tháng 5-1971, chiến tranh ngày càng khốc liệt, đặc biệt ở chiến trường miền Nam. Chàng thanh niên phố Tam Cờ Tạ Quang Vinh khi ấy chưa tròn 18 tuổi. Nhìn từng đoàn thanh niên ở trường, ở gần nhà lần lượt lên đường nhập ngũ, Vinh sốt ruột lắm. Anh giấu bố mẹ, viết lá đơn tình nguyện nhập ngũ và nhờ người anh họ ký tên bảo lãnh thay bố để được lên đường chiến đấu cùng lớp lớp đàn anh.

Nhắc lại những ngày tháng chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên, khuôn mặt ông Vinh co rúm lại và đôi mắt quầng đỏ, ầng ậng nước. Tháng ngày ấy, thông tin liên lạc khó khăn, bước chân vào trận chiến thì anh em đồng đội chính là người nhà mình. Họ kề vai sát cánh, động viên nhau cùng hướng về phía trước, thắng giặc nhất định sẽ đến từng quê, thăm nhà nhau.

Ông bảo, ngày đấy ông và đồng đội sống chết không màng, nhưng người đi kẻ ở vẫn để lại khoảng trống khó quên trong ký ức. Có những trận đánh, buổi chiều anh em vẫn chia nhau nắm cơm muối vừng, sáng hôm sau điểm mặt đã tan tác gần như cả tiểu đội. Những người còn sống nước mắt chảy ngược vào trong, tiếp tục động viên nhau chiến đấu, chờ ngày khải hoàn.

Trận đánh vào sân bay Kon Tum tháng 4 - 1972 khiến người lính Tạ Quang Vinh bị thương nặng ở chân và đầu. Sau một thời gian điều trị ở Tây Nguyên, ông được chuyển ra Bắc, điều trị tại Đoàn 222 (thị xã Vĩnh Yên) và sau đó về làm việc tại Ty Lương thực Tuyên Quang, mang trên người thương tật 51%.

Ông bảo, mình được trở về quê hương, dẫu không còn lành lặn, nhưng đã may mắn hơn hàng trăm, hàng ngàn đồng đội nằm xuống nơi chiến trường. Thế nên, dù cuộc sống thường nhật có khó khăn, vất vả như nào, ông cũng không đầu hàng. Trong 3 người con của ông, thì hai người con đầu đều khoác áo lính. Cậu con trai út sau một tai nạn giao thông sức khỏe giờ không được tốt nữa, giờ đang sống cùng với ông bà. Vừa lo việc nước việc làng, vừa lo chăm con chăm cháu, nhưng ông bà không một lời kêu than. Với ông bà, những người đã đi qua lửa đạn thời chiến, thì không khó khăn nào ở thời bình này đáng so với những thiếu thốn, bề bộn, sinh tử mà họ đã từng trải.

Những bước chân không mỏi

Năm 2000, Cựu chiến binh Tạ Quang Vinh nghỉ chế độ ở Ty Lương thực Tuyên Quang, nay là Công ty cổ phần Lương thực Tuyên Quang. Năm 2004, ông được tín nhiệm bầu là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố. Và từ đây, những bước chân ông không mỏi, gỡ từng việc làng, gánh đỡ từng phận đời mỏng mảnh.

Ông Vinh kể, trong gần 20 năm giữ chức Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, ông không nhớ mình đã tham gia hòa giải bao nhiêu vụ việc. Từ hàng xóm cãi cọ, xích mích, đến chuyện vợ chồng “cơm không lành, canh chẳng ngọt”... Được cái, có lẽ nhờ cái uy của người lính, cộng với cái lý cái tình của người anh cả, mà ở tổ dân phố 12 chưa bao giờ có đơn thư vượt cấp, tổ hòa giải cũng chưa từng phải lập một biên bản nào lên phường để giải quyết.

 Cựu chiến binh Tạ Quang Vinh giới thiệu về lịch sử Chi bộ Mỏ Than với đoàn viên, thanh niên
 phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang).

Ông Vinh kể, có câu chuyện hai vợ chồng trẻ đều là cán bộ Nhà nước, nhưng anh chồng nóng tính, lúc không vui hay dùng chân tay để nói chuyện với vợ. Có lần, chị vợ bị đánh đau quá mới đến kêu cứu nhà Chi hội trưởng Phụ nữ. Ông và tổ hòa giải đến, nói chuyện phải trái thế nào anh chồng cũng không chịu nhận lỗi. Cái lý của anh là “tôi đánh vợ tôi, không liên quan gì đến các ông”. Lúc này, ông Vinh mới thủng thẳng bảo, đúng là anh đánh vợ anh, nhưng tôi sẽ làm đơn ra cơ quan anh để báo cáo về việc anh đánh công dân của chúng tôi. Anh chồng lúc này mới dịu xuống, xin lỗi mọi người. Ông bảo, vui là vợ chồng họ giờ đã hòa thuận rồi. Việc gì không vừa ý thì nhẹ nhàng góp ý, bảo ban nhau chứ không động chân động tay như trước nữa.

Chuyện phải trái, rồi cả chuyện buồn, ông Vinh đều cùng cán bộ tổ dân phố đứng ra chu tất. Như câu chuyện hai mẹ con đơn thân vừa chuyển về xóm ở chưa được bao lâu. Người mẹ mỗi sáng 5 giờ đều chạy xe máy đi bưng bê ở một quán phở ngoài trung tâm thành phố. Nhưng sáng ấy, 5 giờ 20 phút đã thấy có người gọi điện về số máy ông thông báo chị gặp tai nạn giao thông, 5 giờ 28 phút ông có mặt, cùng người nhà lo chuyện hậu sự. Hay hai cậu con trai trong một gia đình cùng phố ra đi đột ngột trong một tai nạn giao thông ở Việt Trì (Phú Thọ) đến giờ vẫn ám ảnh ông mãi. Nỗi đau tai nạn giao thông đè nặng bao gia đình, trong đó có đồng đội ông, gia đình ông, khiến trái tim ông khắc khoải… “Những ngày tháng bom đạn ác liệt, người trẻ ngã xuống đã đành, giờ đất nước bình yên, máu vẫn đổ trên những cung đường như thế mình không xót sao được” - Ông Vinh trầm ngâm thế.

17 năm làm Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố cũng là 17 năm ông chứng kiến không biết bao nhiêu sự ra đi của những người “đầu xanh”. Từng người ra đi, ông đều vận động bà con trong tổ cùng đứng ra, gánh vác phần nào nỗi đau với người ở lại. Nhà ai có việc, bất kể giờ nào, ông đều có mặt để cùng chia sẻ, động viên với người nhà. Phần nào mình gánh vác được, mình sẽ lo liệu chu tất.

Ông bảo, mình vui lắm, thôn có 172 hộ thì từ năm 2012 đến nay đã không còn hộ nghèo và cận nghèo, khu dân cư nhiều năm liền đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa, 87% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Cựu chiến binh Tạ Quang Vinh bảo, năm vừa rồi mình muốn xin nghỉ rồi, vì sợ tuổi cao, không còn đủ sức để lo mọi việc nữa, nhưng bà con không nhất trí. Bà con tín nhiệm, thì mình sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất trong khả năng của mình. Là bởi, những công việc mình làm bây giờ giống như cách mình trả nợ cho đồng đội mình đã ngã xuống vậy!.

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục