Chuyện nghề

Báo Tuyên Quang tổ chức Hội thảo bàn các giải pháp đổi mới tuyên truyền theo hướng đa phương tiện. Ảnh: Quốc Việt.


Kỷ niệm với bạn Báo Tuyên Quang

Năm 1993, tôi có bài thơ Đèo Mon được đăng Báo Tuyên Quang với bút danh Lê Vũ Hạnh Phúc. Tôi xin mua 100 tờ báo có bài thơ ấy. Đúng ngày Mỏ Thiếc Bắc Lũng Sơn Dương - nơi tôi làm việc tổ chức Đại hội công đoàn; anh Thư, Chánh văn phòng Mỏ báo tôi có một người mang đến 100 tờ báo. Anh chánh văn phòng bảo người ấy làm  mỏ Thiếc không có ai tên Lê Vũ Hạnh Phúc. Tôi giật mình nói: Tôi là Lê Vũ Hạnh Phúc đây. Người ấy đâu rồi? Anh Thư bảo: Thôi chết, anh ấy chuẩn bị đi rồi, đang ở tầng một. Tôi có mời anh ấy ở lại ăn cơm nhưng anh ấy bảo phải vào mỏ Thiếc Sơn Dương.  Tôi chạy xuống tầng 1 thì ra là nhà báo Nguyễn Chính, Báo Tuyên Quang. Mọi người cùng cười. Rồi cái bút danh Lê Vũ Hạnh Phúc ấy không giấu được nữa. Nó theo tôi suốt những năm tôi ở Tuyên.

Lê Tuấn Lộc


Từ một cuộc điện thoại...

Ngày cuối tháng 5 vừa rồi, tôi nhận được một cuộc điện thoại của người dân từ xã Kiến Thiết (Yên Sơn) mong muốn Báo Tuyên Quang lên tiếng ngăn chặn tình trạng đánh bắt giun đất bằng kích điện để bán cho thương lái nước ngoài.

Được sự ủng hộ, động viên rất lớn của đồng chí trưởng phòng và định hướng của Ban Biên tập, tôi đã dành thời gian tìm hiểu sự việc. Thật sự, khi bắt tay thực hiện không hề đơn giản. 3 ngày lần theo thông tin của người dân cùng với sự hỗ trợ của lực lượng công an, ngoài nắm được quy trình đánh bắt giun đất bằng kích điện, chúng tôi còn xâm nhập được cả vào các cơ sở thu gom, chế biến giun để bán cho thương lái nước ngoài - hành động mà những chuyên gia môi trường, kỹ sư nông nghiệp, người nông dân gọi là tàn phá môi trường. Đặc biệt khi cùng lực lượng công an đến 1 cơ sở chế biến giun trên địa bàn xã Trung Trực (Yên Sơn) chủ cơ sở bất hợp tác, bỏ trốn lên rừng. Gần 2 tiếng đồng hồ chờ đợi để lực lượng công an sử dụng biện pháp nghiệp vụ yêu cầu chủ cơ sở về để ký vào biên bản vi phạm.

Từ những thông tin có được, tôi cùng đồng nghiệp đã có loạt bài phản ánh “Tận diệt giun đất - Một cách phá hoại môi trường” đăng trên Báo Tuyên Quang điện tử. Loạt bài đã thu hút được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân quyết liệt ngăn chặn tình trạng này. Bản thân tự nhận thấy rằng dù chưa phải là vấn đề lớn, gai góc của cuộc sống nhưng đó là 1 sự trải nghiệm quý báu để trưởng thành hơn, mạnh dạn hơn, dấn thân hơn vào những đề tài khó. Và đó cũng là trách nhiệm của mỗi phóng viên trước hiện thực cuộc sống, trước yêu cầu, mong muốn của công chúng.

Đoàn Thư


Chuyện không đăng báo

Tôi gọi điện cho một vị lãnh đạo ở thành phố để góp ý nên gỡ bỏ những bông hoa hướng dương bị gãy đổ ở đảo nút giao thông trên đường đại lộ Tân Trào, đoạn qua Trung tâm Hội nghị tỉnh nhưng vị lãnh đạo này không bắt máy. Tôi nhắn qua zalo và được phản hồi…

Vấn đề tôi góp ý, vị lãnh đạo này khá gay gắt, bảo rằng, đó không phải thẩm quyền của đơn vị mà thuộc về cơ quan quản lý cấp trên. Trước khi trao đổi với vị lãnh đạo này, tôi đã liên hệ với những đơn vị trực tiếp quản lý công trình cây xanh, đèn điện trang trí đường phố với mong muốn góp ý chỉnh trang lại cách bài trí ở đảo nút giao thông ở một số tuyến đường. Lãnh đạo các đơn vị này đều từ chối, đều cho rằng cái này không thuộc thẩm quyền của mình.

Tôi nhắn tin cho vị lãnh đạo ở thành phố, phàn nàn “có mỗi mấy bông hoa hướng dương gãy đổ mà chả đơn vị nào chịu trách nhiệm cả anh ạ. Tôi sẽ đưa lên báo”. Chiều muộn, tôi nhận được cú điện thoại của vị lãnh đạo ở thành phố, giọng anh rổn rảng, “chuyện này đừng đăng lên báo nhé, tôi sẽ xử lý ngay”.

Ngay sáng hôm sau, đảo nút giao thông trước Trung tâm Hội nghị tỉnh đã được dỡ bỏ những bông hoa hướng dương bị gãy đổ, nhìn thoáng đãng và đẹp hẳn lên. Câu chuyện không đăng báo nhưng thật ý nghĩa khi góp tiếng nói vì vẻ đẹp của phố phường.

Sơn Anh


Lần đầu tiên mặc bảo hộ

11 năm công tác tại Phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, chị Giang Thị Thu Trang không thể nào quên kỷ niệm chuyến đưa đón công nhân từ Bắc Giang trở về tỉnh.

Ngày 13-6-2021, chị được phân công nhiệm vụ thông tin về Đoàn cán bộ của tỉnh đi đón công nhân ở tỉnh Bắc Giang trở về. Hơn 3 giờ sáng, chị và đồng nghiệp đã có mặt ở quảng trường Nguyễn Tất Thành để làm nhiệm vụ. Sau đó, 15h30 chiều cùng ngày, chị có mặt tại khu cách ly tập trung của huyện Hàm Yên để ghi hình về công tác đón công nhân của Hàm Yên trở về thực hiện cách ly.  Do phải sẵn sàng để tác nghiệp ngay khi đoàn về tới nơi nên chị và đồng nghiệp phải mặc đồ bảo hộ từ trước. Nhưng phải đợi hơn 17h, đoàn xe đón công nhân mới về tới nơi. Thấy đoàn về tới, chị và đồng nghiệp phối hợp tác nghiệp thật nhanh. Để cho đồng nghiệp ghi hình, chị Trang bám theo cán bộ để lấy thông tin rồi nhanh chóng viết bài. Sau đó, chị trực tiếp dẫn hiện trường, làm phỏng vấn, dựng hình... Tất cả công việc phải gói gọn trong khoảng 30 - 40 phút để kịp gửi bài, gửi hình về cơ quan.

Chị chia sẻ: “Lần đầu tiên mặc đồ bảo hộ chị lúng túng trong từng bước đi, cảm giác vô cùng bức bí và nóng nực. Mặc bộ đồ kín như bưng, ngồi viết tin, dựng hình trong thời tiết oi nóng, mồ hôi tứa ra đầm đìa. Mắt kính thì mờ tịt vì hơi thở... Nhưng có như thế, mình mới càng cảm phục được sự vất vả của cán bộ, chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch đang hàng ngày phải trải qua. Thêm trân trọng và kính phục họ”.

Ngọc Bích


Làm báo là học hỏi mỗi ngày

Vinh dự là phóng viên chuyên trách tháp tùng lãnh đạo tỉnh, anh Lê Kim Thắng, Tổ phóng viên thời sự chính trị đặc biệt, Phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh luôn xác định: làm báo là nghiêm túc tự rèn luyện, học hỏi mỗi ngày.

Nhớ ngày mới vào nghề, anh cùng ê kíp đi quay quảng bá du lịch tại thôn Khuôn Nhòa, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa. Mặc dù đã có ý thức trang bị cho mình một đôi dép “dã chiến” để leo rừng, vượt thác, nhưng thực tế tác nghiệp tại cơ sở còn “nan giải” hơn tưởng tượng của anh gấp nhiều lần. Vác 16 kg máy móc trên vai, anh phải chống gậy leo dốc dựng đứng, vắt rừng nhiều… Chưa kể, để có được những đúp hình đẹp với suối thác, hang động… anh phải có phương án kỹ lưỡng để bảo quản camera, một tài sản có giá trị lớn của Đài.

Với nhiệm vụ của một phóng viên chuyên trách, anh luôn có mặt phản ánh kịp thời các sự kiện thời sự chính trị, các vấn đề lớn, quan trọng của tỉnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Anh đã nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh cùng các ban, ngành tặng Bằng khen trong công tác tuyên truyền; nhiều lần đạt giải A, B tại các cuộc thi báo chí. Với anh, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, chỉ khi nghiêm túc tự rèn luyện, trau dồi, học hỏi mỗi ngày mới có thể đi được lâu dài với nghề trên con đường mình đã chọn. 

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục