Cộng đồng với bảo tồn di sản văn hóa

- Hiện nay ở nhiều địa phương đang có một nghịch lý đó là, nhiều di sản văn hóa phi vật thể vốn do đồng bào các dân tộc sáng tạo ra, nay đang trở nên “xa lạ” với chính họ. Đây là thực tế đáng lo ngại đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2006 - 2008, ngành văn hóa đã tiến hành tổng điều tra di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức nhiều cuộc sưu tầm các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Trong quá trình sưu tầm, lập hồ sơ đó những người làm công tác văn hóa thường tìm về nơi nguồn cội của các di sản đó để kiểm chứng, thông qua những người cao tuổi, những người am hiểu về các di sản, đây là những người có vai trò quan trọng trong việc nhận diện, khẳng định giá trị của di sản đối với cộng đồng dân tộc mình.

Không chỉ là nơi nhận diện và kiểm chứng, cộng đồng còn là nơi dung dưỡng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Quá trình sưu tầm, khôi phục các giá trị văn hóa bị mai một, hiện nay có hai xu hướng chủ yếu, một là bảo tồn “tĩnh”, tức là bảo tồn dưới dạng điều tra, sưu tầm, thu thập các dạng thức văn hóa phi vật thể như nó hiện có và lưu giữ trong sách, vở, ghi chép, băng hình, băng tiếng, ảnh… hai là bảo tồn “động”, nghĩa là bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đó ngay trong đời sống cộng đồng. Hai phương thức bảo tồn trên đều có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, song nếu chỉ nghiêng về phương thức thứ nhất thì sẽ xảy ra hiện tượng các di sản bị mai một ngay trong chính các kho dữ liệu. Bởi sức sống của các di sản văn hóa thuộc về đời sống sinh hoạt cộng đồng, nếu để ở dạng “tĩnh” thì sự bảo tồn đó là vô nghĩa.

Do vậy quá trình bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số rất cần được thực hiện ngay chính trong đời sống của cộng đồng. Đây là cách làm cần thiết và có hiệu quả đã và đang được thực hiện tại một số địa phương trong tỉnh. Như việc thành lập các Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày, hát Páo dung của dân tộc Dao, hát Sình ca của dân tộc Cao Lan, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu… thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, ngành văn hóa và chính quyền cơ sở đã phục hồi, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể theo hướng phổ cập trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ, với sự truyền dạy trực tiếp của các nghệ nhân sống tại địa phương.

Có thể nói rằng, việc bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số muốn được thực hiện có hiệu quả thì vai trò của cộng đồng là vô cùng quan trọng. Bởi cộng đồng là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng và cũng là nơi bảo tồn tốt nhất các giá trị văn hóa truyền thống.

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục