Đám chay nghi lễ tưởng nhớ về nguồn cội

- Trong đời sống văn hóa người Dao có các nghi lễ quan trọng: lễ cấp sắc, đám cưới, đám chay. Trong đó “đám chay” được gọi là “ày chaay”, nghi lễ được ví như cầu nối để người đã mất được siêu thoát, tìm đường về với tổ tiên. Tính nhân văn trong nghi lễ này đó là nhắc nhở con cháu biết đến công lao người đã khuất và không quên cội nguồn.

Gia đình ông Đặng Văn Tiến, thôn Xuân Đức, xã Hùng Đức (Hàm Yên) làm đám chay cho vợ. Bà Bàn Thị Xanh đã mất được gần 2 năm. Để chuẩn bị cho nghi lễ quan trọng này gia đình ông Tiến đã mời anh em, hàng xóm đến hỗ trợ từ 2 - 3 ngày trước. Các việc như làm nhà xe, chuẩn bị lễ vật, mâm cỗ... Ông Đặng Văn Tiến chia sẻ, đây là việc tâm linh nên trước hết phải đến nhờ thầy cúng xem ngày tốt để tổ chức. Người Dao quan niệm rằng, có thể khi người chết sang thế giới bên kia làm cho người sống đau buồn, bối rối mà không tổ chức đám hiếu chu toàn, trọn vẹn. Vậy nên đám chay là dịp để người còn sống được “gặp lại” người đã khuất để bày tỏ sự biết ơn, kính trọng. Đây cũng là nghi lễ kết nối người đã mất đến với tổ tiên một cách chính thống nhất.

Công đoạn làm nhà xe trong đám chay tại nhà ông Đặng Văn Tiến, thôn Xuân Đức, xã Hùng Đức (Hàm Yên).

Thầy cúng Đặng Văn Khánh, thôn Cầu Trôi, xã Tứ Quận (Yên Sơn) là thầy cúng cao tay, có uy tín của dân tộc Dao Quần trắng. Mỗi năm ông thường làm khoảng 5 - 8 lễ đám chay. Ông cho biết, tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của mỗi gia đình mà định thời gian tổ chức. Có thể người thân mất sau 2 - 3 tháng hoặc sau 2 - 3 năm sẽ tổ chức nhưng cũng có thể sau 2 - 3 đời con cháu mới có điều kiện làm. Đây là nghi lễ bắt buộc nên đời con không làm được cho bố mẹ thì đến đời cháu phải làm cho ông bà...

Được biết, trong lễ Đám chay, thầy cúng thường chuẩn bị sẵn trống cái, trống con, thanh lá, sớ... Để tạo nên một nghi lễ ấm cúng, đủ đầy thì gia đình thường nhận được sự đóng góp lễ vật để dâng tế. Ông Lý Văn Điệp, thôn Hòn Lau, xã Thắng Quân (Yên Sơn) nói rằng, lễ vật khá đơn giản, có thể là cân gạo nếp, con gà, chai rượu... Tất cả đều dâng lên trọn vẹn tấm lòng thành của mình đối với người đã khuất. Trước đây đám chay kéo dài 7 ngày nhưng nay rút gọn chỉ còn 3 ngày 2 đêm.

Điểm nhấn trong lễ đám chay đó là việc làm nhà xe, cắt quần áo, đồ dùng hằng ngày cho người đã khuất. Nhà xe được làm từ tre nứa, quần áo, đồ dùng hằng ngày làm bằng các loại giấy màu. Đây là vật dụng kết nối dẫn dắt người đã khuất trở lại ngôi nhà lúc còn sống và cuối cùng siêu thoát về với tổ tiên, nguồn cội.

Một điều đặc biệt và ấn tượng ở một số đám chay đó là việc thể hiện sự liên kết giữa các nghi lễ tâm linh. Cụ thể ở đây là đám chay và đám cấp sắc. Khi gần kết thúc nghi lễ thầy cúng sẽ công bố năm tới có bao nhiêu con, cháu trong gia đình, dòng họ sẽ được cấp sắc. Do vậy, nghi lễ nhận được sự chú ý, theo dõi của nhiều lớp thế hệ, trong đó có thế hệ trẻ. Bởi họ hào hứng theo dõi để biết mình chuẩn bị được tổ chức lễ cấp sắc hay chưa. Hoặc ở những gia đình có con trai thường tổ chức làm lễ cấp sắc cùng một lúc với lễ đám chay, nhằm tiết kiệm thời gian, tiền của mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống.

Ngày nay nghi lễ đám chay vẫn luôn được cộng đồng người Dao Quần trắng trên địa bàn tỉnh thực hiện. Đa số các gia đình đều chủ động cắt bỏ lễ nghi rườm rà, lãng phí để tổ chức một nghi lễ tiết kiệm, văn minh mà vẫn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Hoàng Niềm

Tin cùng chuyên mục