Cần chống ách tắc

- Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, qua triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 27-5-2021, đã có cho 11,9 triệu người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; trên 1,3 triệu lao động có giao kết hợp đồng lao động; trên 1 triệu người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và trên 37.300 hộ kinh doanh được hỗ trợ bằng tiền mặt với tổng kinh phí trên 32.694 tỷ đồng.

BHXH Việt Nam cũng đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.846 đơn vị/doanh nghiệp cho 192.503 người lao động với tổng số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trên 786 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đã được giảm lãi suất ngân hàng, khoanh nợ, giãn nợ; giảm chi phí tiền điện… Đó là những hỗ trợ hết sức quý báu, giúp doanh nghiệp, người lao động giảm được nguồn tiền phải chi ra trong bối cảnh không có hoặc rất ít nguồn tiền vào.

Tuy nhiên, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15-6, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn. Tính đến ngày 27-5, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 36,5%, gói hỗ trợ người sử dụng lao động mới giải ngân được 0,26%, gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất mới đạt 12,1%. Các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt NLĐ trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, DN nhỏ, siêu nhỏ.

Cuối tuần trước, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tiếp tục một gói hỗ trợ mới trên 27.000 tỷ. Lần này sẽ có thêm các đối tượng được hỗ trợ là NLĐ dừng hợp đồng, nghỉ việc không lương, mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm đóng cửa để phòng dịch theo yêu cầu của cơ quan chức năng, hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em phải cách ly y tế phòng dịch…

Câu chuyện về một nghệ sỹ kêu gọi được trên 14 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung nhưng chưa giải ngân vừa qua đã khiến dư luận cả nước dậy sóng, khiến anh chàng nghệ sỹ phải công khai xin lỗi và rốt ráo giải ngân. Là bởi hỗ trợ người yếu thế thì cần phải càng nhanh càng tốt, chưa nói đến việc hoài nghi số tiền chưa giải ngân sẽ dùng để làm gì.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng đã là đối tượng cần hỗ trợ, thì đều mong tiền sớm đến tay chừng nào sẽ giảm bớt khó khăn chừng nấy. Tiền ngân sách suy cho cùng cũng là tiền của nhân dân. Trong khi nhân dân khốn đốn vì đại dịch, Nhà nước đã chủ trương dành tiền hỗ trợ, thì tiền cần sớm đến tay nhân dân. Đã đành cần phải có các thủ tục chặt chẽ, đúng quy định, nhưng người dân đều mong muốn việc thực hiện gói hỗ trợ lần này sẽ nhẹ thủ tục, rõ trách nhiệm; giúp doanh nghiệp và người lao động kịp thời giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, giảm ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Nếu các điều kiện đưa ra quá cao hoặc thủ tục rườm rà, xác định trách nhiệm không rõ và phân cấp không mạnh cho các địa phương thì người lao động và người sử dụng lao động sẽ vẫn khó khăn do chính sách khó tiếp cận, bị ách tắc trong việc triển khai.

Đồng thời, các chuyên gia cũng cho rằng, sau khoảng thời gian nhất định như 3 tháng hay 6 tháng, cần có đánh giá độc lập về hiệu quả thực tế triển khai chương trình này, coi đây là một phần quan trọng của chương trình hỗ trợ. Có như vậy, chính sách hỗ trợ cực kỳ nhân văn của Đảng và Nhà nước mới thực sự được triển khai trong đời sống.

Thái An

Tin cùng chuyên mục