Cùng doanh nghiệp vượt khó

- Trong buổi làm việc bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tổ chức ngày 20-8 vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đã nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 vừa là thách thức, nhưng cũng là thời cơ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuyên Quang vẫn là vùng xanh an toàn, trong khi nhiều tỉnh, thành phố khác đang chật vật đối phó với diễn biến xấu của dịch bệnh, chính vì vậy, các doanh nghiệp hãy “biến nguy thành cơ”, tận dụng cơ hội để tăng tốc, bứt phá.

Sẵn sàng chờ thời

Trong năm 2020 và những tháng vừa qua của năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội. Mất việc làm và giảm thu nhập đang trở thành vấn đề đáng lo ngại nhất và còn kéo dài, nhất là trong cộng đồng doanh nghiệp.

Qua thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng. Cả tỉnh có 153 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Con số này, nếu so với năm 2020 tăng đến 14,2%. Trong đó 95 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 62% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cũng trong thời gian này, 30 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, 28 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo, thì trung bình mỗi tháng có khoảng 22 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Sản xuất gang thép tại Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang.

Nguyên nhân, theo đồng chí Vân Đình Thảo, là do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, khách sạn, nhà hàng, du lịch… Dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này khiến doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, khó khăn trong việc trang trải các khoản chi phí để duy trì sản xuất kinh doanh và chi phí cho người lao động, trong khi lưu thông hàng hóa, thu mua nguyên liệu đầu vào gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, nhập hàng, tăng chi phí vận chuyển, lưu kho bãi, sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, hàng tồn kho lớn.

Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính - Nhân sự, Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, các sản phẩm giấy, bột giấy đơn vị sản xuất vượt kế hoạch, nhưng việc tiêu thụ tương đối chậm trễ, hiện vẫn còn tồn kho hơn 40 nghìn tấn giấy và bột giấy. Trong 7 tháng qua, doanh thu của đơn vị đạt trên 1.800 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 83 tỷ đồng, nhưng những tháng cuối năm, do chi phí vận chuyển nguyên vật liệu, chi phí vận tải, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, trong khi giá bán các sản phẩm trên thị trường giảm 150 đô la/tấn, thì dự báo những tháng cuối năm, doanh thu của đơn vị sẽ giảm khoảng 20 - 30% so với kế hoạch. Hiện đơn vị vẫn tập trung duy trì sản xuất, đảm bảo có đủ việc làm cho người lao động và thu mua nguyên liệu cho người trồng rừng.

Ông Nguyễn Ngọc Đình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng cho biết, lường trước những khó khăn khi dịch bệnh bùng phát tại một số nước lân cận, Thành Hưng đã chủ động làm việc với các cảng biển có nguồn hàng của đơn vị nhập khẩu qua để có biện pháp vận chuyển nguyên vật liệu ngay khi hàng nhập cảng về đến Tuyên Quang. Nhờ thế, đến thời điểm này, 2 nhà máy của đơn vị tại phường Đội Cấn và Chiêm Hóa vẫn hoạt động bình thường. Ông Đình cho biết, cơ hội phục hồi, khai thông thị trường cho Thành Hưng nói riêng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung là rất lớn, khi Tuyên Quang đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư uy tín, tầm cỡ, chính vì vậy, các doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận các thông tin về Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật đấu thầu… để sẵn sàng chờ thời.

“Trong nguy có cơ”

Xác định khó khăn này là tạm thời và không riêng tỉnh Tuyên Quang chịu tác động, nếu không muốn nói cộng đồng doanh nghiệp Tuyên Quang may mắn hơn rất nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh thành khác. Cả cộng đồng vào cuộc phòng chống dịch bệnh, giữ cho Tuyên Quang nằm trong vùng xanh an toàn, nhiều doanh nghiệp đã chủ động các biện pháp đảm bảo lưu thông sản xuất, kinh doanh từ rất sớm.

Ông Hoàng Quang Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty May LGG Tuyên Quang cho biết, công ty đang tập trung các nguồn lực, sẵn sàng đưa thêm 2 nhà máy may vào hoạt động. Theo dự kiến, khi 2 nhà máy này đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho trên 10 nghìn lao động địa phương. Ông Trung nhận định, chưa khi nào doanh nghiệp có thời cơ phát triển tốt như thời điểm này, khi nhiều doanh nghiệp may mặc trong cả nước gặp khó do dịch bệnh chưa được kiểm soát. Thời điểm này, mức thu nhập của người lao động trong công ty đạt trên 6,5 triệu đồng/người, cao nhất từ trước đến nay. Hiện tại, công ty xuất khẩu 100.000 đơn hàng/tháng sang thị trường các nước.

Thị trường thu hẹp, giá bán sản phẩm giảm cũng trở thành cú huých để nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến ngay tại địa bàn. Ông Lương Duy Toản, Giám đốc Công ty cổ phần Hồ Toản cho biết, nếu so với một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì Hồ Toản may mắn hơn khi sản phẩm làm ra đến đâu xuất bán đến đấy. Có điều, do mức giá thức ăn chăn nuôi tăng đến hơn 45% so với cuối năm 2020 và tăng hơn 95% so với thời điểm cuối năm 2019, thì 2 năm vừa rồi, doanh nghiệp này dù “cung không đủ cầu” nhưng vẫn thua lỗ hơn 63%. Hồ Toản hiện đang hoàn thiện các thủ tục để tăng quy mô đàn và đầu tư nhà máy chế biến sữa trên địa bàn để chuyển từ bán sữa tươi cho các doanh nghiệp chế biến sữa sang bán sữa đã qua chế biến. 

Công ty cổ phần Chè Sông Lô cũng nỗ lực “đồng hành” cùng hơn 1.500 hộ dân nhận khoán và cung cấp nguyên liệu chè búp tươi cho doanh nghiệp. Mặc dù đến thời điểm này, đơn vị còn trên 1.100 tấn chè tồn kho, giá cước vận tải tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước dịch và đứng trong nguy cơ “càng bán càng lỗ”, nhưng ông Ngô Đức Tú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô cam kết, sản phẩm chè búp tươi vẫn được thu mua đều đặn. Trong thời gian tới, doanh nghiệp tập trung rà soát lại toàn bộ chi phí, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là thành tựu của cách mạng 4.0 vào sản xuất, vận hành, giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh. Đồng thời tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để giảm cước vận tải biển. Doanh nghiệp cũng mong muốn, tỉnh có cơ chế hỗ trợ thanh lý toàn bộ những vùng chè già cỗi năng suất dưới 10 tấn/ha để thay thế bằng các giống chè mới, năng suất cao, chất lượng ổn định.

Tỉnh cam kết đồng hành

Đồng hành, chia sẻ và sẵn sàng chung tay với doanh nghiệp, thời điểm này, rất nhiều chính sách được tỉnh triển khai đồng bộ, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Trong 7 tháng năm 2021, thực hiện hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động hưởng chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, tỉnh đã giải ngân gần 45 tỷ đồng trợ cấp thất nghiệp cho trên 3,7 nghìn người; 7 lao động được hỗ trợ học nghề với kinh phí 28 triệu đồng; chấp thuận cho 12 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng 109 lao động nước ngoài. Đồng thời, ngành bảo hiểm xã hội thực hiện điều chỉnh giảm trên 1,3 tỷ đồng mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.630 đơn vị với gần 30 nghìn lao động; xác nhận 26 lao động của 3 đơn vị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 13 lao động của 1 đơn vị xác nhận ngừng việc do ảnh hưởng của dịch; 11 lao động của 1 đơn vị được xác nhận danh sách người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn trả lương phục hồi sản xuất.

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần May Tuyên Quang LGG. 

Năm 2020, đã có 591 đơn đề nghị được miễn giảm tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 41, tổng số tiền trên 124 tỷ đồng; 516 doanh nghiệp miễn giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết 116 của Quốc hội, số tiền trên 9,2 tỷ đồng; 18 doanh nghiệp được giảm tiền thuê đất theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, số tiền trên 1,17 tỷ đồng. 7 tháng năm 2021, đã có 465 doanh nghiệp được miễn giảm, gia hạn trên 160 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất.

Ngành ngân hàng cũng đã kịp thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 8 doanh nghiệp với dư nợ trên 8,1 tỷ đồng; thu nợ gốc trước và nợ lãi sau cho 52 doanh nghiệp, dư nợ trên 19,3 tỷ đồng. 30 doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng giá trị nợ gốc hơn 287 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho 12 doanh nghiệp với dư nợ miễn giảm trên 82 tỷ đồng. 254 doanh nghiệp được cho vay với lãi suất ưu đãi với dư nợ trên 2.829 tỷ đồng; giảm lãi suất trực tiếp đối với món vay hiện hữu cho 536 doanh nghiệp dư nợ miễn giảm đạt 4.569 tỷ đồng, số tiền miễn giảm đạt hơn 7,3 tỷ đồng.

Với mục tiêu, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, đảm bảo mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ quan đơn vị là một pháo đài để chống dịch, tỉnh cam kết thực hiện các giải pháp về cải cách hành chính, thu hút đầu tư... hiện thực hóa mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Trong năm nay, tỉnh sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công của tỉnh, trong đó các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ tập trung tại một đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Qua đó, giảm tối đa thủ tục, thời gian đi lại cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc giải quyết các vấn đề liên quan.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phát động Cuộc vận động Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang; Doanh nghiệp Tuyên Quang ưu tiên sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp Tuyên Quang, để giảm tải những khó khăn trước mắt cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và người dân nói chung.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục