Cũng là một cách

- Bản sắc văn hóa Việt Nam là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, sức mạnh của dân tộc được hun đúc, bồi đắp qua thăng trầm của lịch sử; là biểu tượng của sự trường tồn, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc. 

Thực tiễn phát triển của xã hội hiện nay cho thấy, quá trình hội nhập, giao lưu quốc tế đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa cộng đồng. Một số nét bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc như trang phục, diễn xướng dân gian, phong tục tập quán... có nguy cơ mai một và dần bị pha tạp; tình trạng đồng hóa trong các hoạt động văn hóa, lối sống ngày càng bộc lộ rõ nét.

Chính vì vậy, việc gìn giữ và phát huy bản sắc, những giá trị văn hóa truyền thống, cộng đồng dân cư hiện nay cần được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo với sự tham gia đồng bộ của các đoàn thể chính trị, xã hội. Bên cạnh việc đầu tư thỏa đáng cả về giải pháp và cơ sở vật chất; cần coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa; khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong cộng đồng.

Từng địa phương cần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tổ chức để làng, xã, khu dân cư xây dựng, điều chỉnh hương ước, quy ước, bổ sung các thiết chế văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời, tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, giàu bản sắc đặc sắc lành mạnh, phong phú và đa dạng. Các hoạt động này cần hướng mạnh vào việc nâng cao nhận thức để mỗi người thêm tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, phong tục tốt đẹp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn liền với bài trừ hủ tục, văn hóa ngoại lai, xấu độc xâm nhập...

Mặt khác, cần tận dụng những ưu thế vượt trội của mạng xã hội để quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống. Bởi những người trẻ là đối tượng cần được trao truyền văn hóa, cũng là đối tượng thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Thực tế đang có nhiều trang mạng xã hội có nội dung phong phú về văn hóa, lịch sử nước ngoài, nhưng lại ít nội dung quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam. Nhiều bạn trẻ lại chưa có nhiều hiểu biết về văn hóa truyền thống của dân tộc. Mặt khác, các sản phẩm văn hóa còn hạn chế, cần kinh phí đầu tư… Nên quảng bá, trao truyền văn hóa truyền thống qua mạng xã hội cũng là một cách để nhanh và hiệu quả hơn.

Từ đó, nâng cao vai trò của người trẻ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; sáng tạo những giá trị văn hóa mới trên nền bản sắc dân tộc góp phần xây dựng đạo đức, lối sống văn hóa lành mạnh.

Thái An

Tin cùng chuyên mục