Đồng hành cùng con

- Ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ em cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng sống khác nhau. Nhiều người cho rằng, quá trình trang bị kiến thức và kỹ năng sống của trẻ em giống như “xoáy trôn ốc” càng ngày càng đi lên và được mở rộng. Do vậy, vai trò của gia đình và nhà trường rất quan trọng trong việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ. Bố mẹ của các em phải thực sự là những người thầy, người bạn đồng hành bên con trên mỗi chặng đường đời.

Những ngày được nghỉ hè này, hai chị em Hán Đan Lê và Hán Duy Tùng, tổ 6, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) là một kỳ nghỉ hè đặc biệt với các em. Do dịch bệnh Covid -19, gia đình em phải hoãn lại những chuyến du lịch, đi chơi xa nhưng không vì thế mà những ngày nghỉ hè của các em kém phần thú vị. Đan Lê nói rằng, đây là thời gian mà em được “nạp” thêm nhiều kỹ năng sống cần thiết từ bố mẹ, ông bà dạy bảo. Không chỉ tham gia các lớp học Tiếng Anh Online, hai em còn được bố mẹ, ông bà dạy cho cách nấu nướng. Là chị cả, Đan Lê còn được dạy cách giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, phụ giúp ông bà, bố mẹ làm việc nhà. Vào mỗi buổi chiều, hai em cùng bố mẹ chăm sóc vườn rau, cây cảnh. Còn Hán Duy Tùng, em tham gia các môn thể thao yêu thích cùng bạn bè như bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng đá, bóng bàn. Tùng vốn đam mê các môn thể thao nên gần như môn thể thao nào em cũng biết chơi. Tùng cho biết, chơi thể thao vừa giúp rèn luyện sức khỏe, tinh thần thoải mái lại giúp em rèn khả năng phối hợp nhóm, chia sẻ với người khác.

Chị Đinh Thị Ngọc Lan, tổ 6, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) hướng dẫn các con chăm sóc cây xanh.

Nói về việc trang bị cho các con về kỹ năng sống, chị Đinh Thị Ngọc Lan, mẹ của hai em Hán Đan Lê và Hán Duy Tùng cho biết: “Tôi luôn dành thời gian để tìm hiểu sở thích của các con và luôn ủng hộ con niềm đam mê của con chứ không ép buộc các con làm gì mà con không muốn. Tôi dạy chúng các kỹ năng tự biết cách chăm sóc bản thân, kỹ năng giúp đỡ, chia sẻ với người khác, kỹ năng ứng xử, giao tiếp... Gia đình tôi có 4 thế hệ cùng chung sống, tôi luôn dạy các cháu phải kính trọng, thương yêu, chăm sóc người già. Ngoài giờ học tập cần phụ giúp bố mẹ, ông bà làm việc nhà”.

Mặc dù bận rộn với công việc bán hàng tạp hóa nhưng mỗi ngày chị Ma Thị Dâm, thôn Chẩu Quân, xã Bình An (Lâm Bình) vẫn dành ra một khoảng thời gian để cùng con đi tập bơi, học cờ vua. Chị Dâm cho biết, từ khi con được nghỉ hè, chị đã đăng ký cho con đi học cờ vua, khuyến khích con đi bơi. Chị bảo, đối với trẻ em kỹ năng sống rất quan trọng để trẻ có thể tự tin bước ra ngoài đời. Bởi vậy, chị còn dành khá nhiều thời gian mỗi ngày hướng dẫn con tự làm những công việc như nấu cơm, rửa bát. Theo chị Dâm, trong các kỹ năng sống cần trang bị cho trẻ thì kỹ năng biết tự lập, tự chăm sóc bản thân, kỹ năng tự bảo vệ khỏi các tai nạn cần được trang bị trước. Chị Dâm cũng thường lên mạng tự học các phương pháp, kiến thức dạy con, trang bị cho con kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi, tâm lý của con.

Thời gian qua, không chỉ chủ động trang bị kỹ năng sống cho con trẻ, các gia đình đã phối hợp chặt chẽ với nhà trường để cùng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Cô giáo Nguyễn Thanh Mai, trường Mầm non Hoa Hồng (TP Tuyên Quang) cho rằng, càng trang bị cho trẻ em kỹ năng sống càng sớm càng tốt. Nếu trẻ được trang bị đầy đủ những kỹ năng sống cần thiết ngay từ khi còn nhỏ sẽ rất dễ thích nghi dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào. Kỹ năng sống không có gì là to tát cả. Khi trẻ biết tự ăn, biết tự học hỏi, biết chia sẻ với bố mẹ, ông bà, thầy cô, biết chào hỏi, lễ phép... đó cũng chính là kỹ năng. Trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, gia đình có vai trò rất quan trọng. Trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra, nhiều gia đình loay hoay với việc trẻ nghỉ học, phải ở nhà. Nhiều gia đình có khi chỉ cần đưa cho con chiếc điện thoại Smartphone, cho trẻ xem ti vi để bố mẹ có điều kiện và thời gian đi làm. Nhưng điều đó rất tai hại. Bố mẹ có thể nghĩ ra những trò chơi tư duy cho trẻ hoặc xây dựng một thời gian biểu hàng ngày, giao cho trẻ những công việc phù hợp với năng lực, lứa tuổi của các em. Từ đó xây dựng cho các em trách nhiệm đối với công việc.

Bàn về việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Chuyên, giảng viên trường Đại học Tân Trào cho rằng, giáo dục thế hệ trẻ không chỉ chú trọng “dạy chữ” mà còn phải quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ “dạy người”. Kỹ năng sống là những    kỹ năng giúp con người  thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi theo xu hướng tích cực, mang tính chất xây dựng, giúp con người thích ứng tốt với những thay đổi của môi trường sống. Đại dịch  Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, học sinh, sinh viên ở nhà và học tập thông qua Internet. Trước hoàn cảnh mới, gia đình, nhà trường cần trang bị cho các em những kỹ năng mới để đáp ứng thực tiễn như giúp các em hình thành thói quen sinh hoạt và học tập tại nhà, luôn duy trì lối sống lành mạnh, tuân thủ đúng các khuyến cáo của ngành Y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trang bị kỹ năng sống cho trẻ đúng cách thì trước tiên mỗi gia đình cần phải có phương pháp. Ông bà, cha mẹ các em phải thực sự có kiến thức và sự hiểu biết. Trước hết cần nắm bắt được tâm lý, tư tưởng của các em để từ đó giáo dục các em những kỹ năng sống cần thiết. Từ những kỹ năng đơn giản như kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích, bảo vệ bản thân, kỹ năng không vi phạm pháp luật, xử lý thông tin..., gia đình cũng cần trang bị cho các em kỹ năng tự quyết định, tự xử lý và tự chịu trách nhiệm.

Gia đình chính là “mắt xích” quan trọng nhất để ở đó tạo cho các em một môi trường sống lành mạnh, an toàn, để chính ở đó hình thành nên những kỹ năng sống cho các em. Ông bà, cha mẹ cần phải là những người truyền cảm hứng để các em luôn sống đúng, sống đẹp, sống có ích.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục