Đường mở từ lòng người rộng

- Đi đi lại lại chờ chiếc xe trộn bê tông từ ngoài đường lớn vào, lão nông Hoàng Trung Lập, thôn Liên Nghĩa, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) vui đến độ lời cất lên cũng lập bập: Con đường này bà con đã chờ đợi lâu lắm rồi, nên giờ chờ bê tông đổ xuống đường hồi hộp như ngày trước chuẩn bị đi rước bà nhà tôi về nhà vậy… Người dân xung quanh cười ồ. Nhưng với họ, lời ông Lập đã thay lời giãi bày khi tuyến đường đất cuối cùng của thôn được bê tông hóa, được thoát ra khỏi “chiếc áo đã chật” bấy lâu.

“Đường về làng là vàng vào nhà”

Trong số 40 km đường giao thông nông thôn mà các xã đăng ký hoàn thành trong năm nay theo Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025 của Chiêm Hóa, Vinh Quang đăng ký 10,1 km. Trong đó có 700 m đường trục thôn và 9,4 km đường nội đồng.

Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Cầu bảo, lúc mới đăng ký mình cũng lo lắm. Lo bà con vừa đóng góp bao nhiêu ngày công, vật chất để xã về đích nông thôn mới, giờ lại tiếp tục đăng ký làm đường nữa thì e là bà con mình quá vất vả. Nhưng khi họp bàn với các thôn, thôn nào cũng háo hức, phấn khởi, số km đường bà con đăng ký vượt xa con số 10,1 km rất nhiều. Là bởi, đây là mơ ước của bà con bấy lâu, nhất là khi Vinh Quang đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa, từ vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng nhãn, nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo, trồng mía… Hết tháng 6, Vinh Quang đã hoàn thành 4,5 km đường. Phần còn lại sẽ hoàn thành xong trước tháng 10 năm nay.

Người dân thôn Bắc Yên, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) làm đường bê tông nông thôn.

Liên Nghĩa năm nay đăng ký 1.570m đường và chia thành nhiều tuyến. Tuyến 550m ra vùng sản xuất rau an toàn đã hoàn thành từ giữa tháng 6. Tuyến ra vùng trồng nhãn tập trung hơn 100 m đang chuẩn bị hoàn thành. Lão nông Hoàng Trung Lập kể bằng giọng tủi thân, bà con ở đây hầu hết gắn bó với nông nghiệp. Đi nhiều nơi, thấy người nông dân chạy xe máy đến tận chân ruộng chân vườn chở rau, chở lúa về nhà, mình vẫn lụi cụi gánh gánh vác vác vì đường đất xấu quá, xe máy, xe ô tô không đi vào được, thấy khổ quá... Ông Hoàng Trung Lập, cùng các ông Đinh Văn Trường, bà Đào Thị Nguyệt có mặt từ sáng sớm để dọn lại mương rãnh, vỡ lại đất nền đường trước khi xe trộn bê tông của đơn vị thôn thuê về đổ bê tông lên tuyến. Ông Trường cười hỉ hả: “Vui lắm, sướng lắm. Cây nhãn tổ của Vinh Quang ở đất này. Vùng sản xuất rau hàng hóa của Vinh Quang cũng ở đất này. Bà con ở đây không trông chờ gì nhiều bằng trông chờ một con đường. “Đường về làng là vàng vào nhà” mà”.

Vùng sản xuất rau màu 5 ha của xã Vinh Quang nằm ven bờ sông Gâm, và có đến 60% số hộ dân ở Liên Nghĩa có đất sản xuất ở đấy. Tuyến đường đất trước chỉ rộng chưa đầy 2m, giờ được mở rộng ra 3m, hộ nào cũng sẵn sàng hiến đất để làm đường. Ông Vũ Văn Đa bảo, hơn 70 m vuông đất trồng rau của gia đình ông giờ nằm dưới con đường rải thảm bê tông, ông Đa bảo, mình cũng như hơn 60 hộ dân có đất ở đây đều biết tấc đất là tấc vàng, khi mỗi ha đất nông nghiệp ở Liên Nghĩa cho thu nhập không dưới 100 triệu đồng/năm. Nhưng vì việc làng, và vì chính cuộc sống của mình, chẳng ai tiếc “tấc vàng” cả.

Trưởng thôn Liên Nghĩa Vũ Văn Đồng bảo, để hoàn thành 1.570 m đường đã đăng ký, hầu như nhà nào cũng hiến đất sản xuất. Hộ ít thì 20 - 30 m2, hộ nhiều cũng 50 - 70 m2.

Hiệu ứng từ Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa từ những năm trước đã góp thêm niềm tin cho người dân khắp các địa phương. Ở Xuân Vân (Yên Sơn), năm 2021 đăng ký hoàn thành 5,1 km đường bê tông. Bắt đầu khởi động từ tháng 6, nhưng đến thời điểm này, đã hoàn thành trên 50% kế hoạch. Cũng giống như Vinh Quang và nhiều địa phương khác, lần này, các thôn xóm ở Xuân Vân thuê đội thi công 100%, người dân chỉ tham gia giám sát việc thực hiện. Đồng chí Triệu Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, xã chỉ nhận xi măng, ống cống và kiểm tra sổ sách của các thôn sau khi hoàn thiện chương trình, còn lại tất cả phần việc giao trực tiếp về thôn.

Ở các thôn, đều thành lập ban giám sát thi công. Thế nhưng, không vì thế mà người dân đứng ngoài cuộc. Anh Chu Hữu Hòa, người dân thôn Đồng Tày bảo, mặc dù không nằm trong ban giám sát, nhưng trong thời điểm thi công, ngày nào anh và mọi người trong thôn cũng ra kiểm tra, giám sát từng công đoạn, từ trộn xi măng, cát sỏi đến việc san gạt, làm rãnh hai bên đường... Xuân Vân lập một nhóm Zalo gồm các trưởng thôn và lãnh đạo xã, thôn nào khởi công, làm đường cũng chụp hình, quay phim gửi vào nhóm, đồng chí Triệu Ngọc Lý bảo, thành ra thôn nào muốn lùi lại làm sau cũng sốt ruột không đừng được. Có những thôn, như Đồng Tày, sau khi hoàn thành 1,6 km đã đăng ký thêm 930 m nữa.  

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, kiểm tra và thụ hưởng”, đây chính là “bí quyết” để  những tuyến đường bê tông nông thôn, đường nội đồng len đến từng thôn xóm, từng cánh đồng.

 “Đất vàng, việc làng không tiếc” 

So với các khu dân cư khác trên địa bàn thị trấn Tân Yên (Hàm Yên), tổ dân phố Bắc Yên có vị trí khá tách biệt bởi hệ thống đường giao thông cách trở. Mặc dù dài chưa đầy 1 km nhưng tuyến đường nối từ trung tâm thị trấn về tổ qua nhiều năm vẫn lầy lội khi mưa, bụi mù khi nắng. Đồng chí Vũ Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Yên cho biết, hằng năm, địa phương xây dựng hồ sơ, đưa tuyến đường vào danh mục ưu tiên để tận dụng các chương trình, dự án. Tuy nhiên, do nguồn đầu tư công hạn chế, trong khi đó, tuyến đường có tổng mức đầu tư quá lớn nên khó có thể thực hiện.

Khu sản xuất hàng hóa của thôn Đồng Tày, xã Xuân Vân (Yên Sơn) đã có đường bê tông đến từng đồi hoa quả.

Nghị quyết 55/NQ-HĐND ngày 20-11-2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025 mang đến cơ hội để người dân Bắc Yên thực hiện giấc mơ bao đời. Cách làm của Bắc Yên, cũng giống như ở Vinh Quang, đó là giao khoán toàn bộ cho một đơn vị thi công, người dân chỉ thực hiện chức năng giám sát.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Bí thư Chi bộ thôn Bắc Yên phấn khởi nói, con đường dài hơn 500 m liên quan đến rất nhiều gia đình ở sát mặt đường song vì con đường mơ ước mà các hộ đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình để giải phóng mặt bằng. Chị Giáp Thị Thúy, người hiến 60 m2 đất thổ cư để làm đường cho rằng, so với cả con đường thì những tấc đất của gia đình chị và các hộ trong tổ là rất nhỏ. Có đường là có tất cả, đời sống của gia đình chị và bà con của cả tổ sẽ từ đó mà khấm khá.

Hơn chục cây bưởi nhà ông Phạm Văn Chỉ, thôn Đồng Tày, xã Xuân Vân đang đến kỳ cho thu hoạch rộ. Khi tuyến đường hơn 300 mét đi qua, chiều rộng bắt buộc là 5 m để đảm bảo mặt đường rộng hơn 3 m, hai bên khơi rãnh để đảm bảo sử dụng được lâu dài. Tiếc, nhưng ông Chỉ quyết định chặt bỏ toàn bộ. Những trái bưởi đã to bằng chiếc ấm, có những cây đếm được hơn trăm quả, nhưng ông bảo, lợi ích này chỉ cho mình 1 vài năm, nhưng có đường, lợi ích đến cả đời con, đời cháu mình, tiếc gì mấy cây bưởi nữa... Ở Xuân Vân, hầu hết các thôn Soi Hà, Đèo Mủng, Đồng Tày, Khuôn Khán, người dân đều sẵn sàng hiến những tấc vàng, chặt bỏ vài chục cây ăn quả đang cho thu hoạch rộ như thế để tuyến đường được đẹp nhất, tốt nhất. Có những hộ, như gia đình ông Hoàng Minh Trường, thôn Đồng Tày, sẵn sàng bỏ thêm tiền để mua xi măng, mở rộng khúc cua tay áo qua thôn từ hơn 3 m ra 5 m cho người dân đi lại an toàn hơn.

Như cách nói của Chủ tịch UBND xã Vinh Quang Phạm Văn Cầu, những con đường bê tông về với Vinh Quang đã đạt được mục tiêu là tạo xung lực mới, vừa cần kíp trước mắt vừa lâu dài phục vụ cho phát triển kinh tế. Không gì dễ dàng, thuận lợi hơn để bà con mở mang ngành nghề, quy mô sản xuất hàng hóa là bắt đầu từ khâu “then chốt”, đó chính là mở rộng và nâng cấp đường sá tại chỗ!.

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục