Như màu áo xanh

- “Nhà nào có rác mang ra đổ nào…”. Tiếng người Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Triệu Trung Kiên vang lên, nhà nhà ở thôn 1, xã Đạo Viện (Yên Sơn) lại xách những túi rác đã buộc gọn gàng để sẵn ra trước nhà, hoặc cẩn thận hơn, chờ chiếc xe chở rác của những đoàn viên, thanh niên trong xã chạy qua thì chất lên. Thói quen này, tuần tự đã hơn 5 năm nay.

“Ai cũng chọn việc  nhẹ nhàng…”

Đạo Viện chưa có bãi rác thải tập trung. Đầu năm 2017, UBND xã quyết định dành một bãi đất trống hình thành sau khi tu sửa, nâng cấp Quốc lộ 2C để làm bãi chứa rác thải. Không gần nhà dân, không thu phí thu gom rác thải, yêu cầu duy nhất của chính quyền xã là bà con phải tự gom rác thải của nhà mình lên để ở đấy. Nhưng nhà làm nhà không. Mà số nhà không thực hiện lại nhiều hơn số nhà có ý thức. Rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, rồi cả xác động vật chết… người dân tiện đâu vứt đấy. Mà chỗ tiện nhiều nhất, thường lại là chỗ dễ nhìn thấy nhất, đó là dọc 2 bên đầu đèo Bắp, đèo Oai nối với Phú Thịnh, Trung Sơn; là đầu cầu Đạo Viện - ngay sát UBND xã; là dọc 2 bên tuyến đường thôn trung tâm xã…

Bí thư Đoàn xã Đạo Viện Hà Mạnh Trường, lúc này là Phó Bí thư Chi đoàn Cây Thị (cũ) - nay là thôn 1, nhìn những hình ảnh này thì buồn lắm. Trường bảo,  đã có nhiều nhà đánh nhau vì rác, anh em hàng xóm không nhìn mặt nhau chỉ vì rác thải của nhà này lại để “nhầm” sang trước cửa nhà kia. Rồi chó mèo tha rác đi khắp làng, chẳng nhà nào chịu nhận là của mình… Cứ tưởng rác thải chỉ là thứ vứt đi, nhưng hóa ra nó lại là thứ tác động rất lớn đến hình ảnh của thôn, của xã, đến cả tình cảm của người dân quê mình nữa. Hà Mạnh Trường họp chi đoàn, rồi cùng anh em đoàn viên quyết định thành lập 1 tổ thu gom rác thải cho bà con.

Đoàn viên thanh niên xã Đạo Viện (Yên Sơn) thu gom rác thải.

Những tuần đầu tiên đi thu gom, không phải nhà nào cũng ủng hộ. Chi đoàn Cây Thị phải “đánh tiếng” nhờ Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Triệu Trung Kiên đi cùng. Sau gần 1 năm thì mọi việc đi vào nề nếp. Mỗi nhà chỉ vài nghìn đồng một tháng, nhưng rác thải được thu gom sạch sẽ một tuần 2 lần. Sau này khi đã là Bí thư Đoàn xã Đạo Viện, Hà Mạnh Trường quyết định thu gom rộng ra cả thôn Khuôn Luông và một số thôn lân cận. Phí thu gom rác, đoàn viên thanh niên không ai nhận công, đều đồng thuận góp vào làm quỹ chung của chi đoàn, để chi cho các hoạt động  tình nguyện ý nghĩa khác.    

Tháng 6 - 2021, xã Đạo Viện đã hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường Xanh Tuyên Quang thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt của người dân trong xã. Nhưng Đoàn xã vẫn là đầu mối thu gom rác của những hộ xa trung tâm đến một điểm tập kết chung.

Không thực hiện thu gom rác thải như trước nữa, đoàn viên thanh niên xã Đạo Viện tập trung vệ sinh đường làng ngõ xóm, và nhận nhiệm vụ quét dọn chợ Trung tâm xã sau mỗi phiên họp ngày thứ Bảy. Bí thư Đoàn xã Đạo Viện Hà Mạnh Trường cười, toàn những việc không ai muốn làm, không ai muốn nhận, thì đoàn viên thanh niên sẵn sàng nhận nhiệm vụ. “Xung kích, không có nghĩa là cứ phải nhận việc khó, mà phải là nhận cả những việc không ai muốn làm… Đó mới thực sự là có trách nhiệm!”.

Thay đổi thói quen

Xã Hồng Thái (Na Hang) giờ trở thành điểm du lịch hấp dẫn với khách du lịch gần xa. Với mục tiêu tạo thêm nhiều điểm nhấn thu hút phục vụ du khách, Đoàn xã Hồng Thái không chỉ ra quân quét dọn đường làng ngõ xóm, vệ sinh môi trường mà còn chủ động tạo thêm nhiều điểm nhấn để níu chân khách.

Bí thư Đoàn xã Đặng Thị Dương chia sẻ, từ khi hình ảnh Hồng Thái xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội thì chính những người dân quê mình cũng có ý thức hơn trong việc giữ hình ảnh đẹp của quê hương. Người già thì thêu thùa, dạy người trẻ lời hát điệu múa của người Dao Tiền; đoàn viên, thanh niên thì vừa góp sức làm đẹp thêm cảnh quan quê nhà. Du lịch giống như một cuộc “thay máu” cho nếp nghĩ, cách làm của người trẻ ở Hồng Thái. Trước đây, họ đơn thuần là lo đủ cơm ăn áo mặc, thì giờ sẽ là bằng mọi cách, giữ cho xóm làng mình sạch đẹp, giữ cho con người mình thân thiện và giữ cho bản sắc của đồng bào quê mình thêm đậm đà, không phai nhạt.

 Những đồi hoa do đoàn viên, thanh niên xã Hồng Thái (Na Hang) trồng trở thành điểm nhấn
trong hành trình khám phá của du khách.    

Nhiều thói quen cũ, được Đoàn xã phối hợp hướng dẫn người dân thực hiện, như thu gom pin và xử lý rác thải nhựa; xếp đá tạo điểm chụp ảnh tại các vườn lê; xếp đá tại các lối ra vào, cổng làng… Đặng Thị Dương khoe, khi quê mình được nhiều người khen đẹp, thì tự khắc người trẻ cũng tìm mọi cách để nó ngày càng đẹp thêm. Nhiều khu vực đất trống trước đây bỏ hoang như ở Khuổi Phầy, giờ được đoàn viên, thanh niên trong xã cùng góp sức mình, thay thế bằng những đồi hoa cúc vàng, hoa cánh bướm; những điểm săn mây đẹp như đỉnh đồi Đòn được dựng thêm các chòi lá, lắp thêm xích đu bằng gỗ…Giờ ở Hồng Thái, đã có 5 hộ đoàn viên, thanh niên cải tạo, chỉnh trang nhà cửa để làm Homestay đón khách du lịch.

Ở Xuân Lập, nơi đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, thì việc vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường là việc không phải dễ dàng gì. Vận động theo kiểu mưa dầm thấm lâu, đảng viên tiên phong đi trước, rồi đưa cả vào điều kiện để giải ngân vốn vay như vậy, lâu dần cũng thành thói quen. Người trẻ làm trước, rồi đến người già người cả. Hầu hết các mô hình chăn nuôi của đoàn viên thanh niên xã Xuân Lập đều được hướng dẫn xây dựng chuồng trại xa nhà, có nền cứng, hố đựng chất thải… đảm bảo vệ sinh môi trường. Với những hộ chăn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo, Đoàn xã phối hợp mở cả lớp hướng dẫn cách ủ thức ăn, xây dựng hầm bể bioga để tận dụng nguồn chất thải…

Bí thư Đoàn xã Xuân Lập Lò Tiến Hướng kể, như ở thôn Khuổi Trang - một trong những thôn khó khăn nhất, vất vả nhất của Xuân Lập, năm 2019 rà soát cả thôn 76 hộ dân chỉ có 3 hộ có công trình vệ sinh. Hướng bàn với Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ phải bằng mọi cách, thay đổi được câu chuyện này. Sẵn có một phần kinh phí từ chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng và khoán bảo vệ rừng, Khuổi Trang quyết định họp bàn với người dân, trích hỗ trợ mỗi hộ gia đình 4 triệu đồng để xây dựng công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn. Đến tháng 6 năm 2020, thì ở Khuổi Trang đã có 76/76 hộ có công trình vệ sinh đạt chuẩn. Đồng thời với vận động, hỗ trợ bà con xây dựng công trình vệ sinh, Khuổi Trang cũng đang tập trung hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh. Đến tháng  7 -2021, đã có 52/76 hộ gia đình xây dựng được chuồng trại chăn nuôi đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường.

Không chỉ ở Đạo Viện, Hồng Thái hay Xuân Lập, những phần việc tưởng nhỏ mà không hề nhỏ của những đoàn viên, thanh niên đang góp phần hoàn thành một trong những tiêu chí khó nhất trong xây dựng nông thôn mới, là tiêu chí Môi trường. Những tuyến đường hoa thanh niên, những ngày thứ Bảy vì cộng đồng, những công trình vệ sinh hay chuồng trại chăn nuôi đạt chuẩn là những phần việc cụ thể nhất, thiết thực nhất mà họ đang nỗ lực góp phần, để quê hương mình có được một diện mạo tươi xanh, như chính sắc áo mà họ tự hào khoác lên mỗi ngày!

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục