Nối nhịp bờ vui

- Không còn cảnh lội qua suối, gồng mình đi qua cầu tre, cầu gỗ lỏng lẻo bắc tạm bợ mỗi khi lũ về, những chiếc cầu dân sinh bằng bê tông vững chắc đã được xây dựng ở nhiều vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Và từ đây, một diện mạo mới - một cuộc sống mới cũng đã bắt đầu.

Cầu mới - cuộc sống mới

Lần đầu tiên trong đời, ông Ma Thanh Quỳnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lương Cải, xã Công Đa (Yên Sơn) lái xe máy băng qua được con suối Lương Cải mùa lũ dữ về tận cuối thôn mà không gặp bất kỳ trở ngại. Ông Quỳnh vui lắm, bởi cây cầu đã gắn bó bao năm với cộng đồng người Tày, người Nùng thôn Lương Cải, nhưng hôm nay đã mang dáng dấp hoàn toàn khác. Vị Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Lương Cải bảo, thôn bị chia cắt bởi dòng suối, năm trước thôi vẫn là cầu tre tạm bợ, cứ đến mùa mưa lũ là trẻ con trong thôn chỉ 1 nửa thôn là con em đi học đều, còn lại đứng bên bờ kia mà ngóng, mà trông con nước. Chính sự cách trở đó mà cuộc sống của người dân Lương Cải có sự chênh lệch rất lớn, 32 hộ người Nùng sống bên kia bờ suối cuộc sống cứ bấp bênh, chẳng thể khá giả.

Cầu dân sinh xã Thổ Bình (Lâm Bình) đang được gấp rút thi công đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Rồi niềm vui đến với người dân Lương Cải, cuối tháng 12-2020, Ngành Giao thông và Vận tải tỉnh đã khảo sát, quyết tâm xóa “dấu vết” các cầu tạm, thay thế bằng cầu dân sinh chắc chắn. Và chỉ trong 6 tháng thi công cầu đã được hoàn thành, theo tiêu chuẩn cầu đường giao thông nông thôn bán vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, với chiều dài gần 30 m, rộng 3,5 m, hai bên đường dẫn lên cầu mỗi bên dài trên 20 m. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ma Thanh Quỳnh bảo, Lương Cải bây giờ nối liền một dải, bà con sẽ không cam chịu đói nghèo mãi đâu... Một số hộ người Nùng đã tập trung trồng rừng, nuôi trâu, bò. Có cầu mới, việc làm ăn của bà con sẽ thuận lợi hơn. Cụ Lương Thị La, 80 tuổi, dân tộc Tày phấn khởi bảo, có cầu mới rồi, con, cháu cụ cứ lái xe bon bon mà đi học, đi làm không phải canh cánh nỗi lo mất an toàn hay “đứt bữa” chuyện học, chuyện làm khi lũ suối lên to nữa. Cụ La tin cuộc sống mới, với nhiều thuận lợi đang mở ra với con, cháu mình.

Cầu dân sinh Cây Thọ-Núi Guột được khánh thành cũng mở ra cơ hội phát triển mới cho HTX Sản xuất rau, quả an toàn Đức Ninh (Hàm Yên). Ông Nguyễn Việt Phong, Giám đốc HTX bảo rằng, HTX có 28 thành viên, trong tổng số 32 ha đất canh tác rau quả thì có đến 2/3 ở bên kia bờ suối. Thường mùa thu hoạch rau quả rộ nhất cũng là mùa nước lũ nên nhìn vườn thanh long đỏ ối đồng hay chanh trĩu cành không cắt được trong khi khách giục ồi ồi, mình xót ruột lắm. Giờ thì khác xe ô tô chạy vào tận đồng, không còn phải huy động hết phương tiện từ xe thồ đến thuyền nan để tăng bo nữa. Ông Phong khẳng định, có cầu, HTX sẽ mở rộng diện tích canh tác trên hết quỹ đất bên suối, chắc chắn lượng sản phẩm của HTX sẽ tăng, thu nhập của thành viên cũng tăng. Anh Hà Quang Huy, thành viên HTX hồ hởi bảo, giờ xe tải nhỏ tằng tằng vào tận bờ, bãi việc thu hoạch, vận chuyển vì thế cũng nhanh lắm, giá sản phẩm cũng ổn định hơn. Ông Huy tính toán vụ thanh long trước ông thu 15 triệu đồng, vụ này dự ước phải được 17 triệu đồng, cũng có thể hơn, bởi thuận đường, thuận cầu. 

Nối nhịp tương lai...

Ông Hoàng Văn Hải, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh khẳng định rằng, từ năm 2014 đến nay với nhiều nguồn vốn đầu tư đã có 72 cầu với 8 dự án thành phần được xây dựng và hoàn thành, trong đó 46 cầu đã được bàn giao đưa vào sử dụng, 26 cầu còn lại sẽ được đưa vào sử dụng trong tháng 8 tới. Hầu hết các công trình cầu dân sinh trong quá trình triển khai đều hoàn thành trong thời gian rất ngắn với sự đồng thuận, nỗ lực lớn của chính quyền, các đơn vị liên quan và người dân. Những khe vực sâu thăm thẳm, những dòng suối cuồn cuộn chảy xiết mỗi khi mùa mưa về sẽ không còn là nỗi lo của nhiều người dân.     Mỗi cây cầu hình thành đã nối liền giao thông, nối những bờ vui, đồng thời nối liền sức dân thành một khối thống nhất.

Cụ Lương Thị La, 80 tuổi, thôn Lương Cải, xã Công Đa (Yên Sơn) phấn chấn cùng con đi trên cây cầu mới xây.    

Anh Hà Quang Huy, thành viên HTX rau, quả an toàn Đức Ninh người đã phải tình nguyện cắt đất trang trại để giải phóng mặt bằng làm đường dẫn cầu Cây Thọ bảo, hơn 1.000 mét vuông đất chứ phải lấy đến 2.000 mét vuông đất anh cũng hiến. Với anh, cây cầu là một tài sản quá lớn của không riêng gia đình anh, cả cộng đồng.

Tiếp tục hành trình nối nhịp tương lai, ngày 20-11-2020, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 55/NQ-HĐND thông qua Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đề án sẽ có ít nhất 200 cầu dân sinh nữa được xây dựng đồng nghĩa với việc nhiều hơn nữa miền quê được “thay áo mới” để nối nhịp vào tương lai.

Chương trình làm cầu trên đường giao thông nông thôn sẽ được xây dựng trên phương châm: Nhà nước đầu tư 100% kinh phí xây dựng, nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng phạm vi xây dựng cầu và đường dẫn, đường kết nối. Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hoàng Văn Hải nhấn mạnh, những cây cầu dân sinh được xây dựng nằm rải rác trên phạm vi rộng, ở vùng phức tạp về địa hình, đơn vị đang thực hiện khảo sát đánh giá kỹ lưỡng vị trí xây dựng với sự tham gia của chính quyền địa phương, người dân bản địa để có giải pháp xây dựng phù hợp, tiết kiệm nhất.

Ghi chép: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục