Trao truyền đạo hiếu

- Ngày nay, mỗi người thể hiện sự hiếu thuận, đạo làm con theo cách riêng để phù hợp với hoàn cảnh của mình. Với công lao “trời biển” của cha mẹ, việc chăm sóc cha mẹ không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là cách “ươm mầm” sự kính trọng của các con đối với chúng ta sau này.

Trong ngôi nhà nhỏ ở tổ dân phố 7, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) hơn hai chục năm qua, gia đình 4 thế hệ của ông Nguyễn Giang Tuyên luôn đầm ấm và ngập tràn niềm vui. Ông Tuyên chia sẻ: “Bố tôi năm nay 92 tuổi, là đại tá quân đội về hưu. Bố tôi có 7 người con cả dâu, rể và 18 cháu, chắt. Hiện giờ, bố tôi đang sống cùng vợ chồng tôi và vợ chồng con trai, cháu trai tôi. Đối với tôi, việc chăm sóc bố mẹ là việc rất đỗi tự nhiên. Bởi không chỉ có công lao sinh thành, dưỡng dục, bố mẹ còn cả đời làm lụng vất vả, hy sinh để chăm lo cho cuộc sống của anh chị em chúng tôi. Là con trai trưởng trong gia đình, tôi có trách nhiệm và nghĩa vụ phụng dưỡng ông lúc tuổi già. Vợ chồng tôi và vợ chồng con trai tôi đều làm công việc tại gia, tự do nên có nhiều thời gian để bầu bạn, quan tâm ông, thay nhau chăm sóc ông cả về thể chất, tinh thần, lẫn vật chất”. Gia đình ông Tuyên thường quây quần bên mâm cơm gia đình, chuyện trò vui vẻ. Những lúc rảnh rỗi, gia đình ông cùng ngồi xem phim, chuyện trò. Mỗi dịp lễ, Tết, giỗ chạp gia đình ông lại tổ chức gặp mặt đầy đủ anh em, con cháu.

Gia đình ông Nguyễn Giang Tuyên luôn gần gũi, quây quần trò chuyện tạo không khí vui vẻ trong gia đình.

Gia đình bà Bùi Thị Hợi, ông Hoàng Văn Hữu, cũng là một trong những gia đình “tứ đại đồng đường” tiêu biểu ở phường Hưng Thành. Hiện vợ chồng bà Hợi đang ở cùng cụ Trần Thị Mậu, 102 tuổi và vợ chồng con trai út và 1 cháu nội. 39 năm làm dâu, hai mẹ con bà Hợi chưa từng có lời qua tiếng lại. Bà Hợi cho biết: “Tuy là con dâu sống cùng mẹ chồng nhưng tôi coi mẹ chồng như mẹ đẻ của mình và cùng chồng san sẻ trách nhiệm chăm sóc cụ”.

Ông Hữu chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, mẹ đã dành trọn tuổi xuân, sức khỏe cho chúng tôi, là bờ vai, chỗ dựa vững chắc nhất để tôi có được thành quả như hôm nay. Vậy nên, tôi phải có trách nhiệm khiến mẹ luôn vui vẻ, hạnh phúc. Việc chăm sóc cha mẹ không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của mỗi người con, thể hiện đạo đức, sự biết ơn của người làm con mà còn là cách để giáo dục tốt nhất cho các con, các cháu tôi về đạo hiếu. Đây là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ bao đời nay”.

Bên cạnh những gia đình vẫn giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp về đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ, ở một số gia đình, việc phụng dưỡng, chăm sóc ông bà, cha mẹ vẫn chưa được thực hiện tốt. Có những người chỉ nghĩ đơn giản rằng, trách nhiệm đối với cha mẹ là thi thoảng đưa cho cha mẹ một chút tiền, quên mất trách nhiệm, nghĩa vụ phải phụng dưỡng, chăm sóc đấng sinh thành. Thậm chí có những gia đình, anh chị em còn đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc bố mẹ cho nhau. Đáng trách hơn, có trường hợp còn ngược đãi cha mẹ chỉ vì tài sản, vì ăn uống chậm chạp, nói nhiều, coi cha mẹ già là gánh nặng.

Gia đình bà Bùi Thị Hợi giáo dục con cái về chăm sóc ông bà, cha mẹ.    

Cách đây một năm, nhiều tài khoản Facebook chia sẻ đoạn clip về vụ bạo hành một cụ bà 88 tuổi, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Công an địa phương vào cuộc xác minh và bắt tạm giam các đối tượng hành hung cụ. Đối tượng không ai khác chính là con trai ruột và con dâu của cụ. Do bực tức vì cụ sinh hoạt cá nhân không kiểm soát nên hai vợ chồng người con đã chửi mắng, đánh đập, ngược đãi không thương tiếc mẹ ruột của mình. Đoạn clip gây phẫn uất trong dư luận đã cho thấy có sự suy thoái về đạo đức con người, về đạo làm con trong xã hội. 

Trách nhiệm của con đối với cha mẹ không chỉ được thực hiện tự giác bởi ý thức, trách nhiệm mà còn được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Luật quy định, con cái với cha mẹ, ông bà là mối quan hệ gia đình, phải biết yêu thương, chăm sóc, quý trọng lẫn nhau. Khi con cái còn nhỏ, chưa thành niên thì cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái. Khi bố mẹ về già thì con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Cụ thể, khoản 2 (Điều 71, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014) quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”.

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Cha mẹ mỗi người chỉ có một, vậy nên chúng ta hãy đối xử tốt với cha mẹ, yêu thương, chăm sóc cha mẹ nhiều hơn. Bởi “Mẹ già như chuối chín cây”, đừng để khi cha mẹ đã mất đi rồi thì có hối hận cũng đã muộn.

Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục