Ứng xử lành mạnh trên mạng xã hội

- Vào đầu năm 2020, Microsoft đã công bố danh sách mức độ các quốc gia kém văn minh nhất trên không gian mạng, Việt Nam bị xếp vào nhóm 5 nước kém văn minh nhất. Bên cạnh mặt tích cực, môi trường mạng bộc lộ nhiều mặt trái, đòi hỏi người sử dụng cần có kiến thức nhất định và hình thành thói quen ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội (MXH). Trước thực tế này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, nhằm xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, mỗi cá nhân có thái độ tích cực, ứng xử có văn hóa trên không gian mạng.

Thực trạng đáng báo động

Việt Nam hiện có khoảng 70% dân số sử dụng MXH, đứng thứ 7 thế giới về số lượng người dùng. Cũng như nhiều địa phương khác, tại Tuyên Quang số lượng người sử dụng MXH khá lớn, tập trung chủ yếu khu vực thành thị, giới trẻ và người có độ tuổi trung niên là đối tượng sử dụng nhiều.

Thực tế cho thấy, Internet và các trang MXH đem tới cho người dùng rất nhiều tiện ích nhờ tốc độ thông tin nhanh; giúp cá nhân trao đổi kết nối liên lạc, giải trí, kinh doanh trực tuyến có hiệu quả. Đồng thời, cũng là kênh thông tin quan trọng góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân nhanh chóng, kịp thời.

Bên cạnh việc nhận thấy rõ những ưu điểm vượt trội thì chúng ta cần biết những ảnh hưởng tiêu cực của “không gian ảo”. Với chế độ mở, không qua khâu kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải, MXH trở thành nơi bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân tạo nên những “chuỗi khối” thông tin khổng lồ. Trong đó có không ít thông tin xấu độc, sai sự thật, thiếu kiểm chứng, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội gây bức xúc, hoang mang trong dư luận.

Mạng xã hội thu hút giới trẻ sử dụng.

Thời gian gần đây, MXH  liên tục “dậy sóng” với các vụ việc “bóc phốt”, Livestream dùng lời lẽ thiếu văn minh, video ăn mặc phản cảm. Những “anh hùng bàn phím” không ngừng chạy đua theo các trào lưu, xông vào mọi ngóc ngách cuộc sống đời tư người khác để “mổ xẻ”. Chưa kể, nhu cầu giải trí của nhiều người hướng sang các kênh trên YouTube ngày càng nhiều. Những kênh như Thơ Nguyễn, Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Hưng Vlog… thường xuyên có video, màn câu view nhảm nhí.

Còn tại Tuyên Quang, vụ việc 4 cháu bé ở xã Lang Quán (Yên Sơn) bị ngộ độc nặng do bắt chước một video ăn thịt cóc trên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận. Trong thời gian qua từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đã có không ít người dùng MXH để đăng tải những thông tin, hình ảnh sai sự thật về dịch bệnh, gây hoang mang dư luận... Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt 10 trường hợp đăng tin sai sự thật trên MXH, với số tiền là 40 triệu đồng.

Từ thực trạng trên cho thấy, văn hóa ứng xử trên MXH bị một số người sử dụng coi nhẹ. Do đó, việc xây dựng quy tắc văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đang trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, từ cơ quan quản lý nhà nước và cả mỗi người dân.

Xây dựng môi trường mạng lành mạnh

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH. Bộ Quy tắc nhằm mục đích phát triển lành mạnh MXH tại Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, Bộ Quy tắc hướng tới xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH.

Bộ Quy tắc đã “bao trùm” được các hành vi, tính chất, đối tượng tham gia MXH với các nhóm: Quy tắc ứng xử chung; Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ MXH. Mỗi nhóm được chi tiết hóa bằng các nội dung vừa đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, vừa đảm bảo quyền của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các nội dung ứng xử cũng bao hàm tính nhân văn, phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt.

Ông Vũ Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ Quy tắc được ban hành đúng lúc, kịp thời để định hướng ứng xử có văn minh trên MXH, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đây là những quy định ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực. Trên cơ sở nội dung của Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, hướng dẫn các tổ chức, cơ quan, đơn vị phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện trong cán bộ công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng.

Ngay từ khi Bộ Quy tắc được ban hành, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng. Đồng chí Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Bộ Quy tắc để cán bộ, đoàn viên thanh niên nắm vững và triển khai thực hiện. Đồng thời, dựa trên những nội dung của Bộ Quy tắc cũng như các văn bản hướng dẫn, tổ chức Đoàn sẽ xây dựng, bổ sung, ban hành các quy chế, quy định về ứng xử, phát ngôn trên MXH một cách cụ thể, phù hợp.

Cán bộ Trường Đại học Tân Trào tìm hiểu Bộ Quy tắc ứng xử mạng xã hội.

Mỗi người là một cư dân mạng văn minh

Tại Điều 4 và Điều 5 Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân nêu rõ: chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Đặc biệt, không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật...

Chị Đoàn Thị Hoa, tổ 3, Tân Hà (TP Tuyên Quang) thừa nhận MXH Facebook, Zalo không thể thiếu trong cuộc sống của chị. Đây là phương tiện để liên lạc, tìm hiểu thông tin bạn bè, tình hình thời sự cũng như phục vụ việc kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm. Gần đây chị cũng được biết qua các phương tiện truyền thông về Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH. Chị cũng ý thức hơn vai trò và trách nhiệm của cá nhân trong môi trường này. Rõ ràng khi người trẻ dùng MXH và phải chịu trách nhiệm trước thông tin mình đưa lên mạng thì sẽ hạn chế được những hành vi xấu… Qua đó, góp phần điều chỉnh hành vi, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH.

Bộ Quy tắc cũng có quy định cụ thể đối với nhóm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước. Ông Bùi Văn Quyết, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hàm Yên chia sẻ: “Bộ quy tắc ngắn gọn, đề cập đầy đủ trách nhiệm các bên, hướng dẫn ứng xử của cán bộ công chức, sát sườn với quyền lợi của chúng tôi. Đây là “áo giáp” phòng ngừa, ngăn chặn những yếu tố xấu độc, phi đạo đức, văn hóa; đồng thời lan tỏa những giá trị, hiệu ứng tích cực trên không gian mạng”.

Bộ Quy tắc khuyến khích mỗi người sử dụng MXH để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, lan tỏa việc tốt đẹp.

Trên thực tế, có nhiều người trẻ đã dùng hiệu quả MHX để truyền đạt kinh nghiệm, giới thiệu cuộc sống, vùng đất, con người xứ Tuyên. Một số kênh “Anh em miền núi”, “Đôi đũa tre”, “Đông Bắc quê tôi”, “Giấc mơ xanh”…  thu hút hàng nghìn lượt đăng ký theo dõi. Anh Hà Phúc Hiện, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) là chủ nhân của kênh “Tuyên Quang miền gái đẹp”. Anh cho biết, anh đam mê và yêu thích văn hóa quê hương. Anh tự làm nhiều video và nhận được hàng nghìn lượt xem, anh thấy vui vì mình đã góp một phần nhỏ trong việc quảng bá quê mình.

Những quy tắc ứng xử MXH là sự định hướng cần thiết trong xu hướng tham gia môi trường mạng hiện nay của cộng đồng. Việc ứng xử có văn hóa trong cuộc sống hàng ngày đặc biệt là trên không gian mạng góp phần nuôi dưỡng, hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ, để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ.

Ông Vũ Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Quản lý bảo mật tài khoản mạng xã hội

Hiện nay, không chỉ cá nhân mà các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng dùng mạng xã hội như Facebook, Fanpage, Zalo. Vì vậy vấn đề quản lý và bảo mật tài khoản mạng xã hội do mình chủ quản có vai trò rất quan trọng. Sở Thông tin và Truyền thông khuyến cáo, cách tốt nhất và đáng tin cậy nhất để bảo đảm các tài khoản mạng xã hội của bạn an toàn là kích hoạt bảo mật 2 lớp. Ngoài ra khi tạo mật khẩu cho các tài khoản mạng xã hội cần tạo mật khẩu có độ dài từ 8 ký tự trở lên, gồm cả các ký tự chữ thường, chữ số và ký tự đặc biệt. Mỗi tài khoản mạng xã hội bạn nên sử dụng một địa chỉ email riêng.

Nếu bạn không phải là một người nổi tiếng và bạn không muốn public các thông tin cá nhân của mình trong tài khoản Facebook, bạn nên thiết lập lại trang profile của mình cho phù hợp để tránh các hacker nắm được thông tin tài khoản để hack tài khoản của bạn, đặc biệt là địa chỉ email mà bạn sử dụng để tạo tài khoản.
 

Bà Ma Thị Thu Loan, Chủ tịch LĐLĐ huyện Sơn Dương

Nâng cao ý thức khi sử dụng MXH

Theo tôi tất cả mọi người, đặc biệt là cán bộ công chức, viên chức, người lao động phải nâng cao ý thức, ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội. Cần suy nghĩ thật kỹ lưỡng, lựa chọn, kiểm chứng thông tin chính xác trước khi đăng lên mạng xã hội và phải chịu trách nhiệm với thông tin mình cung cấp, chia sẻ. Cán bộ, công chức khi xem thông tin trên mạng xã hội, phải biết rõ nguồn gốc của thông tin, phân biệt tin thật, tin giả; thường xuyên tiếp cận chia sẻ, những thông tin chính thống, bổ ích; không để mình bị sa vào những thông tin thất thiệt, tiêu cực. Để từ đó, xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn, tích cực, mọi người tham gia sử dụng mạng phải có trách nhiệm, tôn trọng nhau, có thái độ ứng xử văn hóa, chuẩn mực, phù hợp.

 

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục