Vẫn còn phân biệt

- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.

Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Hiến pháp cũng quy định rõ về bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới, nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới...

Việt Nam cũng đã ký kết tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, từng bước luật hóa trong văn bản pháp luật và các chính sách có liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Chiến lược bao gồm những mục tiêu cụ thể về tỷ lệ cán bộ nữ, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương, giảm lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp, giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ so với nam giới...

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử.

Về thu nhập, dễ thấy phụ nữ thường ở nhóm có thu nhập thấp, hoặc những công việc dễ bị tổn thương. Phụ nữ cũng chiếm phần lớn trong nhóm làm công việc của gia đình không được trả lương, và trong khu vực “vô hình” của nền kinh tế phi chính thức như  làm giúp việc gia đình, lao động tại gia, bán hàng rong…

Về việc làm và thăng tiến, phụ nữ bị phân biệt ngay từ thông báo tuyển dụng, đến việc trao các cơ hội để tiến bộ. Nhiều cơ quan đơn vị thường ưu tiên nam giới. Họ ngại phụ nữ sẽ mất nhiều thời gian nghỉ do sinh nở, con nhỏ, chăm sóc gia đình…

Nguyên nhân chính của những tình trạng trên là do người phụ nữ thường được xã hội “gán” cho những công việc nhà không có thu nhập, và do phân biệt đối xử.

Luật Bình đẳng giới của Việt Nam đã nêu rõ mục tiêu bình đẳng giới là “xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.

Cho nên, một mặt cần trao cho phụ nữ những cơ hội như nam giới, một mặt cần tôn trọng những sở thích, thiên chức của họ. Dù là nam hay nữ, thì bình đẳng chỉ có được khi được sống vui vẻ, được làm việc và hưởng thụ một cách vui vẻ, tự nguyện.

Thái An

Tin cùng chuyên mục