Kết nối cộng đồng

- Trong những giá trị truyền thống văn hóa của Việt Nam, tình yêu thương con người, “thương người như thể thương thân” đã trở thành một nếp nghĩ, một cách sống thấm sâu tạo nên sức mạnh to lớn gắn kết dân tộc. Qua những khó khăn, biến cố, dịch bệnh… những nghĩa cử cao đẹp về tình người vẫn luôn lan tỏa, thắp lên ngọn lửa nhân ái. Với tinh thần “Vì mọi người, ở mọi nơi”, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh luôn sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu, dù bất cứ tình huống nào để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên.

“Người người làm việc thiện…”

Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, phát huy vai trò của tổ chức xã hội quần chúng làm công tác từ thiện nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã có nhiều chương trình, hoạt động nhân đạo hiệu quả. Từ đó, trở thành “cầu nối” của các đơn vị, tổ chức, cá nhân giúp đỡ những số phận kém may mắn vươn lên trong cuộc sống.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm tặng quà Trường Mầm non Xuân Lập (Lâm Bình) nhân Tháng Nhân đạo - tháng 5/2021. Ảnh: Thành Công.

Toàn tỉnh hiện có 187 Hội Chữ thập đỏ cơ sở xã, phường, thị trấn, trường học; 153 mô hình hoạt động nhân đạo. Trong đó, có 54 tổ, chốt sơ cấp cứu Chữ thập đỏ; 35 bến đò ngang an toàn; 21 thùng gạo nhân đạo; 18 hòm quỹ từ thiện… Đúng với phương châm “Vì mọi người ở mọi nơi”, các mô hình hoạt động thường xuyên, mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, các Đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ Tân Hòa, xã Phúc Ứng (Sơn Dương), Đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ Phổ Hiền (TP Tuyên Quang)… đã có những cách làm hiệu quả giúp đỡ nhiều đối tượng khó khăn. Điển hình như mô hình “Nồi cháo tình thương”, “Nấu bánh chưng Tết cho người nghèo”, “Bán tương ủng hộ người nghèo”…

Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chủ động đổi mới nội dung, hình thức huy động theo phương châm “Chuyên nghiệp và đáng tin cậy”. Hội đề cao việc tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí được hỗ trợ, tạo dựng niềm tin đối với các nhà tài trợ. Nhờ đó, hàng năm đều có các dự án hỗ trợ người dân trên địa bàn. Điển hình như: Công trình xây dựng lớp học mẫu giáo thôn Khâu Lấu (nay là thôn 4), xã Tân Tiến (Yên Sơn) do Hội Hữu nghị Việt - Pháp tài trợ, trị giá 200 triệu đồng; Dự án “Phát triển cộng đồng” tại thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) do Hội Chữ thập đỏ Na Uy tài trợ, tổng trị giá 710 triệu đồng; Công trình xây phòng học trường Mầm non Nhân Lý, xã Nhân Lý (Chiêm Hóa) được viện trợ  bởi tổ chức The Wetter Foundation Thụy Sỹ, với tổng trị giá 300 triệu đồng; Điểm trường thôn Thắng Bình, xã Hùng Đức (Hàm Yên) do Hội Chữ thập đỏ Hà Nam tài trợ với hơn 600 triệu đồng… Thông qua những dự án này, đã có hàng trăm người được hưởng lợi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh cấp phát thuốc miễn phí cho người dân xã Hồng Thái, huyện Na Hang (tháng 1-2021).

Vào dịp đầu năm, Hội còn triển khai phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”… Đây được coi là một hoạt động nhân đạo truyền thống mang tính nhân văn cao cả. Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, mỗi dịp Tết đến xuân về, các tổ chức, cá nhân, những tấm lòng hảo tâm đã ủng hộ hàng nghìn bộ quần áo; đồ dùng, thực phẩm… để trợ giúp người nghèo, người cô đơn được hưởng niềm vui đón Tết cổ truyền của dân tộc. Trung bình mỗi năm ủng hộ được khoảng 8 tỷ đồng, tổ chức tặng quà cho hơn 16.000 hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh.

Để tạo được sức “lan tỏa”, hàng năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức biểu dương tôn vinh những đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm có tấm lòng nhân đạo ủng hộ hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động thiết thực nhằm động viên, khuyến khích toàn xã hội tham gia công tác từ thiện. Ông Phạm Quang Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú (TP Tuyên Quang) nói: “Cùng với việc tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty luôn chú trọng thực hiện các chương trình tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Đây là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp bày tỏ tấm lòng hướng tới cộng đồng, góp phần vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Hàng năm, Công ty đều được Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức biểu dương, tôn vinh làm tốt công tác nhân đạo”.

“Vì một cộng đồng an toàn”

Bên cạnh hoạt động thiện nguyện, Hội Chữ thập đỏ các cấp còn tích cực phối hợp tham gia nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Điển hình như: Hiến máu nhân đạo, thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí… Trong đó có chương trình phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương, Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn VinGroup, Sở Y tế tổ chức Chương trình phẫu thuật nhân đạo thay thủy tinh thể miễn phí. Kết thúc chương trình, đã có hơn 500 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh được phẫu thuật miễn phí trên xe chuyên dụng của Bệnh viện Mắt Trung ương với tổng kinh phí hơn 6,5 tỷ đồng.

Tình nguyện viên tham gia hiến máu tại ngày hội hiến máu Giọt hồng xứ Tuyên năm 2020. Ảnh: Quang Minh.

Cơn bão Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, vấn đề khan hiến máu trở nên cấp bách. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã tích cực triển khai những giải pháp linh hoạt nhằm khơi dậy phong trào hiến máu tình nguyện. Trong đó, có việc tổ chức theo mô hình nhỏ lẻ (chia nhóm) tại một điểm hiến máu tập trung, tầng 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mỗi ngày Ban tổ chức tiếp nhận 60 - 70 người, chia làm 4 ca, mỗi ca khoảng trên 10 người lần lượt vào hiến máu. Các tình nguyện viên đến tham gia hiến máu được đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch như: Đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang…

Dịch bệnh còn khiến nhiều người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Với mong muốn chia sẻ khó khăn với người lao động, mô hình “Chợ Nhân đạo” được diễn ra. Đây là phiên chợ đặc biệt được Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức nhằm chăm lo, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ lương thực, thực phẩm… cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội, người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19. Mô hình được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Khi đến tham dự “Chợ Nhân đạo”, người mua và người bán sẽ giao dịch với nhau bằng những nụ cười ấm áp tình người, sự sẻ chia trong dịch bệnh. Chị Trần Thị Như, tổ 3, phường An Tường (TP Tuyên Quang) nói, ảnh hưởng của dịch bệnh, vợ chồng chị bị giảm thu nhập đáng kể do đơn vị giảm ca, giảm giờ làm. Ngày hôm nay được tham gia mô hình “Chợ nhân đạo” khiến chị rất vui và xúc động. Chị dành số phiếu để mua bún khô, bột canh và một số đồ dùng học tập cho con gái.

Mô hình "Chợ nhân đạo" được triển khai tại Trung tâm thương mại Long Bình An (TP Tuyên Quang).

Đặc biệt, hiện nay Hội Chữ thập đỏ có những hoạt động hỗ trợ mang tính bền vững. Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ, không chỉ là hỗ trợ tặng quà mà Hội vận động nguồn lực làm nhà nhân ái, xây dựng các công trình nhân đạo thiết thực tại huyện Lâm Bình, Na Hang.

Gia đình anh Bàn Văn Sênh, thôn Khau Quang, xã Lăng Can là hộ nghèo của xã, được nhận hỗ trợ với số tiền là 30 triệu đồng. Anh Sênh bày tỏ: “Năm nay, gia đình tôi được Nhà nước, Hội Chữ thập đỏ giúp một số tiền lớn để xây nhà. Có được ngôi nhà kiên cố, gia đình tôi rất yên tâm, giờ chỉ cần tăng gia sản xuất, chăm lo cho con ăn học, để có cuộc sống tốt hơn”.

Tháng 5-2021 là năm đầu tiên “Tháng Nhân đạo” được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai chính thức trong toàn hệ thống Hội với chủ đề “Vì một cộng đồng an toàn”. Với những kết quả đạt được trong những năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã tạo điểm nhấn rõ nét, nâng cao chất lượng công tác nhân đạo. Qua đó, khẳng định vai trò, sứ mệnh của tổ chức hội trong cộng đồng.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục