Khát vọng sẻ chia

- Đó là một buổi tối biểu diễn văn nghệ của đội văn nghệ thuộc Câu lạc bộ người khuyết tật và trẻ mồ côi phường An Tường (TP Tuyên Quang). Từ xa đã nghe thấy tiếng hát thánh thót, trong trẻo, vui tươi vọng lại. Chẳng ai nghĩ đó là tiếng hát của những người khuyết tật, đã và đang mang trong cơ thể sự khiếm khuyết, không lành lặn. Dẫu có như vậy thì ở trong họ luôn toát lên sự lạc quan, yêu đời, ý chí và khát vọng vươn lên làm chủ số phận.

Vượt qua nỗi đau

Chị Đỗ Thị Kim Anh, thành viên Câu lạc bộ người khuyết tật và trẻ mồ côi phường An Tường mặc dù khuôn mặt toát lên sự suy nhược của căn bệnh ung thư giai đoạn 4 nhưng vẫn nở nụ cười tươi rói. Chị khoe, chị vừa cùng các thành viên trong câu lạc bộ tham gia biểu diễn Hội thi tiếng hát người khuyết tật khu vực phía Bắc lần thứ II và giành giải Bạc. Một bên chân bị mất, phải dùng chân giả, bằng những bước đi tập tễnh, chị nhanh nhẹn đi lấy cho tôi xem lại những bức ảnh, đoạn video quay lại tiết mục văn nghệ của đội. Khi mới sinh ra, một lần bị bỏng đã lấy đi chân phải của chị. Không thể đi lại bình thường như bao người, muốn đi đâu xa, chị đều phải nhờ người thân giúp đỡ.

Chị lớn lên và bước vào đời bằng những bước đi đầy đau đớn, mặc cảm. Thế nhưng ông trời chẳng lấy đi hết của ai cái gì, bù lại đôi chân không lành lặn ấy, chị Kim Anh có giọng hát trong trẻo và đôi tay khéo léo kỳ lạ. Tiếng hát của chị khiến bao chàng trai say đắm. Với đôi tay khéo léo, chị đi học nghề may rồi làm thêm nghề may ở chợ An Phú. Chuyện về một cô gái tuy bị khuyết tật nhưng có giọng hát hay và có nghị lực vươn lên như chị đã khiến anh Phùng Văn Phước, quê ở Phú Thọ cảm động và yêu thương. Anh chị nên duyên vợ chồng rồi có một con trai. Anh Phước và con trai của chị ngày ngày trở thành đôi chân của chị Kim Anh, tiếp thêm nghị lực để chị yêu đời, làm việc. Đôi chân có khi bước đi bị trật trên chiếc nạng đau nhói nhưng hàng ngày chị vẫn tảo tần sớm hôm đi chợ, làm may để tăng thêm thu nhập cho gia đình, bớt đi gánh nặng của chồng con.

Một tiết mục văn nghệ của Đội văn nghệ Câu lạc bộ người khuyết tật và trẻ mồ côi phường An Tường
 (TP Tuyên Quang).

Cách đây vài năm, chị phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư vú. Tuy phải chịu những cơn đau vật vã do mỗi lần truyền hóa chất, trị xạ nhưng khi về nhà chị lại gắng gượng đi chợ. Tóc chị rụng gần hết nhưng chị vẫn say sưa hát trên sân khấu. Khuyết tật và căn bệnh ung thư không lấy đi được khát vọng sống, sự yêu đời của chị. Chị tham gia các buổi tập văn nghệ của câu lạc bộ và các buổi diễn, hội thi văn nghệ của tỉnh, khu vực. Sức khỏe yếu nhưng ở chị luôn tràn đầy tinh thần lạc quan. Vợ chồng chị Kim Anh vừa xây được ngôi nhà hai tầng khang trang. Con trai chị giờ cũng đã có công việc ổn định. Chị bảo: “Còn được sống, được hát, được ở bên cạnh người thân với mình đã là niềm hạnh phúc và may mắn lắm rồi”.

Chị Phạm Thị Nhàn, thành viên Câu lạc bộ người khuyết tật và trẻ mồ côi phường An Tường bị bại liệt từ nhỏ. Không thể đứng dậy đi lại như người bình thường, chị Nhàn đã từng chìm trong những chuỗi ngày đau khổ. Thế nhưng bằng nghị lực của mình chị đã tập đi lại chỉ bằng một chiếc ghế. Không muốn người thân phải vất vả vì mình, chị Nhàn mở một cửa hàng tạp hóa để có thu nhập trang trải cuộc sống. Giờ đây, chị Nhàn hoàn toàn làm chủ cuộc sống của mình, dẫu đi lại có khó khăn. Chị Nhàn còn học thêm nghề bán hàng Online. Chị Nhàn chia sẻ: “Mình nhận ra rằng, dù có mất khả năng đi lại bình thường thì cuộc đời vẫn chưa khép lại nếu mình cố gắng vượt qua”. Năm 2017, chị Nhàn tham gia Câu lạc bộ người khuyết tật và trẻ mồ côi do phường thành lập. Chị thường xuyên nhận được sự quan tâm của chính quyền và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ.

Những người như chị Kim Anh, chị Nhàn chỉ là số ít trong những người mà tôi gặp ở Câu lạc bộ người khuyết tật và trẻ mồ côi phường An Tường luôn có tinh thầnsống lạc quan, tích cực. Ở họ luôn sáng lên ý chí vượt qua số phận, hoàn cảnh kém may mắn để làm chủ cuộc đời và hòa nhập cộng đồng.

Khát vọng sẻ chia

Chị Lương Thị Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ người khuyết tật và trẻ mồ côi phường An Tường cho biết, câu lạc bộ được thành lập vào giữa năm 2017. Hiện nay, câu lạc bộ có 42 thành viên, trong đó có 30 người là khuyết tật và trẻ mồ côi. Những thành viên còn lại không phải là người khuyết tật nhưng tham gia với mong muốn được sẻ chia, giúp đỡ người khuyết tật.

Chị Lương Thị Phương hướng dẫn người khuyết tật bán hàng Online để có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.

Chị Phương cho biết, từ khi thành lập đến nay, hàng năm, câu lạc bộ đều vận động các nhà hảo tâm có các hoạt động hỗ trợ, tặng quà cho người khuyết tật và trẻ mồ côi. Nhiều thành viên có tâm lý mặc cảm, câu lạc bộ đã thành lập đội văn nghệ thường xuyên tổ chức gặp gỡ, giao lưu, tạo sân chơi lành mạnh để các thành viên là người khuyết tật tham gia. Thông qua hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ có thể động viên, chia sẻ và nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư của người khuyết tật. Chị Phương vừa là chủ nhiệm câu lạc bộ vừa là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của phường và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn hát dân ca phường. Với tấm lòng sẻ chia, cảm thông và thấu hiểu, chị Phương thường dành thời gian để gặp gỡ, vận động người khuyết tật tham gia các hoạt động của câu lạc bộ. Chị là trung tâm kết nối những thành viên trong câu lạc bộ để tham gia các hoạt động biểu diễn văn nghệ của phường, thành phố và tỉnh ngoài dành cho người khuyết tật. Chị Phương thường bố trí thời gian phù hợp để gặp gỡ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn phường tham gia vào câu lạc bộ, hỗ trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Bà Đinh Ngọc Bích, Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dạ Thảo Liên văn phòng miền Bắc là một trong các nhà hảo tâm đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn phường. Với mong muốn được sẻ chia, giúp đỡ người khuyết tật, bà Bích đã đăng ký tham gia là thành viên của câu lạc bộ từ khi mới thành lập đến nay. Hàng năm, bà Bích luôn là người đi đầu trong các hoạt động ủng hộ, giúp đỡ người khuyết tật như hỗ trợ người khuyết tật làm nhà ở, tặng quà Tết cho người khuyết tật, mở lớp dạy xoa bóp bấm huyệt cho người khuyết tật để tạo việc làm tại nhà cho người khuyết tật… 

Chị Lương Thị Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ người khuyết tật và trẻ mồ côi phường An Tường chia sẻ thêm: “Chúng tôi đang cố gắng động viên, khơi dậy ý chí vươn lên của người khuyết tật để tự bản thân họ phải có quyết tâm cao, xóa bỏ mọi mặc cảm, làm chủ cuộc đời. Nhưng đó là cả một hành trình khó khăn, cần sự chung tay và đồng hành của cả cộng đồng”. Những trăn trở của chị Phương cũng chính là ước vọng của người khuyết tật và trẻ mồ côi - Đó là ước vọng được sẻ chia và đồng hành nhiều hơn nữa của cả xã hội.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục