Lá cờ đầu ở Khun Xúm

- Xuất phát từ thành phố Tuyên Quang, chúng tôi đi gần 100 km tìm đến thôn Khun Xúm, xã Phúc Sơn (Lâm Bình). Bí thư Chi bộ thôn Đặng Hữu Thắng đón chúng tôi, nụ cười rạng rỡ: “Năm nay lúa được mùa nhà báo ạ! Mấy hôm nữa gặt xong, cả thôn trồng cây vụ đông. Năm nào cũng vậy, thôn không cho đất nghỉ. Hộ nào không trồng, hộ khác thuê đất làm ngay” - Anh là điển hình dân vận khéo của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Phủ xanh màu cây

Ở tuổi 32, anh Thắng đã 10 năm gắn bó với việc thôn. Anh từng là Phó thôn, Phó Bí thư Chi bộ. Từ năm 2018 đến nay, anh đảm nhiệm Bí thư Chi bộ thôn. 

Khun Xúm là thôn 135. Thôn có 86 hộ, trên 360 nhân khẩu, 100% hộ là người dân tộc Dao Đỏ. Thôn thuần nông nhưng đất rừng lại là rừng phòng hộ. Cuộc sống của hàng trăm con người chỉ biết trông vào 13,64 ha đất ruộng 2 vụ và phát triển chăn nuôi. Có những năm lúa mất mùa, toàn thôn có trên 50% hộ dân rơi vào tình trạng thường xuyên đói đứt bữa.  

Bí thư Chi bộ thôn Khun Xúm, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) Đặng Hữu Thắng chung niềm vui được mùa với đồng bào Dao.

Những năm 2013, 2014, Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo về trồng cây vụ Đông nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất. “Là chủ trương đúng đắn của Đảng, chi ủy, đảng viên hào hứng và quyết tâm bao nhiêu thì quá trình vận động, tuyên truyền người dân trồng cây vụ Đông khó khăn bấy nhiêu” - anh Thắng nhớ lại.

- Con người lao động quanh năm còn phải nghỉ ngơi, đất cũng phải nghỉ chứ?.

- Ai làm thì làm, tôi nhất định không làm! Trời mùa đông lạnh thế, người có khi còn chết rét huống chi là cây màu.

- Làm không nên ăn đâu lố! Vừa mất tiền, mất công, nghỉ ngơi cho khỏe lấy sức năm sau làm vụ mới.

Đó là những câu trả lời của nhiều người dân Khun Xúm sau bao nỗ lực tuyên truyền, vận động của chi bộ, đảng viên về chủ trương trồng cây vụ Đông. Thấy các thôn lân cận như Bó Cạu, Phia Lài, Bản Chỏn, Bó Ngoặng làm tốt thế, người dân hồ hởi hưởng ứng mà thôn mình thì cứ ỳ ra, anh Thắng và chi bộ sốt sắng, đứng ngồi không yên. Đến từng hộ tuyên truyền, vận động, tìm hiểu nguyên nhân, anh Thắng vỡ lẽ, trước đó nhiều năm, trong thôn có gần chục hộ dân đã từng trồng cây vụ đông là hành lá, ớt, cà rốt, theo chương trình liên kết, công ty bao tiêu đầu ra. Nhưng đến khi thu hoạch, bà con bị công ty “bỏ bom”. Có hộ phải tự chật vật tiêu thụ sản phẩm, có hộ chán không thu hoạch, chấp nhận mất trắng.

Trước tình trạng trên, anh Thắng và Chi ủy chỉ đạo 100% hộ đảng viên phải gương mẫu trồng cây vụ Đông trước. “Miệng nói, tay làm”, anh Thắng cùng đội ngũ đảng viên trong chi bộ sử dụng 100% diện tích đất ruộng ngô vụ đông, áp dụng đúng kỹ thuật để có năng suất cao nhất. Qua từng năm, số lượng hộ dân tự giác trồng cây vụ đông nâng lên. 

Đã quá trưa, vợ chồng ông Đặng Tiến Đường, bà Đặng Thị Tán vẫn đang gieo nốt ngô giống trên thửa ruộng 5 sào.

- Nhà tôi trồng vụ đông được 4 năm nay rồi. Từ ngày trồng cây ngô vụ đông, chúng tôi dư nguồn thức ăn cho trâu, bò. Ngẫm lại ngày xưa để đất ruộng trơ trọi mà tiếc quá. Anh Thắng đi vận động trồng cây ngô mà tôi chẳng mặn mà. Nay gia đình trồng 100% diện tích, dư ở đâu là hộ khác thuê đất trồng ngay đấy!

Nhiều năm nay, những cánh đồng trơ trọi vào vụ đông của thôn Khun Xúm đã được “phủ xanh” 100% bởi cây ngô, cây rau màu. Trung bình hàng năm, trong tổng số gần 14ha đất ruộng, đồng bào Dao nơi đây trồng cây ngô vụ đông khoảng 80% diện tích, còn lại là cây rau màu. Hiệu quả từ hồi sinh những cánh đồng ấy là tỷ lệ tái đàn của đàn trâu, đàn bò, dê được tăng lên. Hàng năm, toàn thôn có đàn trâu khoảng 160 con, dê 200 con, bò 20 con. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, nhiều hộ chuyển đổi chăn thả rông gia súc sang chăn nuôi nhốt vỗ béo, đem lại thu nhập cao hơn.

Mang no ấm đến bản làng

Anh Đặng Hữu Thắng đứng trong hàng ngũ của Đảng khi 23 tuổi. Tài sản duy nhất bố mẹ cho vợ chồng anh lấy vợ, ra ở riêng là 540m2 đất ruộng. “Tiềm lực hạn chế, làm gì để phát triển kinh tế có hiệu quả, để nêu gương vận động người dân làm theo, thoát nghèo?” luôn khiến anh Thắng đau đáu.

Vì đất ruộng ít, anh Thắng tập trung phát triển chăn nuôi. Năm 2015, anh vay vốn được 10 triệu đồng mua 2 dê mẹ và 1 dê giống phát triển nuôi dê thịt, bước đầu cho hiệu quả. Cho đến năm 2017, anh Thắng quyết định mở rộng quy mô mô hình. Anh Thắng giãi bày, thôn có rừng phòng hộ rộng lớn, có bãi chăn thả ngay gần nhà cũng thuận lợi, về nguồn thức ăn chăn nuôi không phải lo rồi. Anh quyết định làm liều, vay mượn trên 200 triệu để đầu tư đàn dê gồm 120 con dê giống, dê sinh sản và dê thịt.

Câu chuyện của chúng tôi cắt ngang vì đã 11 giờ trưa, anh Thắng phải đi chăn dê. Vừa cùng anh xách xô cỏ đem tới chuồng dê cách nhà trên 100m, tôi vừa nghe anh kể chuyện:

26 con dê là số lượng còn lại trong tổng đàn 200 con chết dần, chết mòn sau 1 năm. Anh Thắng nhận khuyết điểm từ sự thất bại: nóng vội trong làm kinh tế, yếu thiếu cả về vốn và kỹ thuật, kinh nghiệm. Nhờ người quen giới thiệu, anh Thắng đi “học khôn” ở Sơn La và quyết tâm vực dậy mô hình nuôi dê.

- Sao vẫn là con dê mà không phải vật nuôi khác ạ? - Tôi hỏi anh.

Anh Thắng thành thật:

- Ngã ở đâu, đứng lên ở đấy nhà báo ạ! Điều kiện tự nhiên ở Khun Xúm rất thích hợp nuôi dê. Thêm nữa, tôi vẫn luôn tin mô hình dê sẽ phát triển, làm đổi thay cuộc sống của bản Dao.

Từ năm 2018 đến nay, nhờ làm tốt phòng, chống dịch bệnh, đàn dê của anh được duy trì và giữ vững. Hiện tổng đàn dê của anh là 10 con đực, 20 con cái. Hàng năm, anh chủ động về giống dê thương phẩm. Trung bình mỗi năm, anh xuất ra thị trường khoảng 20 con dê, thu được trên 40 triệu đồng.

Hiện có 8 hộ dân học và làm theo mô hình chăn nuôi dê của anh Thắng. Anh Thắng nhiệt tình hướng dẫn lại các hộ dân về kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi dê. Tổng đàn dê trung bình của thôn khoảng 200 con/năm.

“Để dân vận khéo hiệu quả, phải chân thành về nêu gương nữa đấy!” - Anh Thắng vừa cho dê ăn, vừa quay sang nói với tôi.

- Tới đây, anh sẽ được tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, anh cảm thấy thế nào? - Tôi hỏi.

Anh Thắng cười khiêm tốn:

- Được Đảng, Nhà nước ghi nhận, mình vui chứ! Nhưng so với niềm vui khi đồng bào mình thay đổi thói quen canh tác cố hữu bao đời để cuộc sống no ấm hơn thì niềm vui kia nhỏ xíu thôi lố! Nếu dân vận mà người dân không nghe theo, làm theo thì sao mình được tuyên dương?

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phúc Sơn Ma Thị Ảnh cho biết, anh Đặng Hữu Thắng là Bí thư Chi bộ tâm huyết. Khun Xúm giờ đây vẫn còn hộ nghèo, cận nghèo chiếm đa số. Nhưng chúng tôi tin tưởng, bằng sự tận tâm, trách nhiệm, gương mẫu, anh Thắng sẽ cùng với Chi bộ lãnh đạo đưa thôn thoát nghèo bền vững.

Ghi chép: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục