Muôn trái tim hướng về vùng dịch

- Ai đó đã ví, càng trong gian lao, vất vả, càng trong thiên tai, dịch dã, nghĩa tình người Việt càng gắn kết, bền chặt. Sự thật là vậy, khi Tuyên Quang xuất hiện những ca nghi nhiễm Covid-19 đầu tiên, những khu cách ly đầu tiên được xây dựng, và khi ca bệnh đầu tiên ở Yên Nguyên (Chiêm Hóa) xuất hiện, người Tuyên Quang nắm lấy tay nhau, san sẻ với nhau từ mớ rau, quả trứng, gói mỳ tôm đến thùng nước lọc. Tất cả vì một mục tiêu: Không để ai bị bỏ lại phía sau!

Nghĩa tình thời Covid-19

Gần một tuần nay, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Tâm Hương trên đường 17/8, phường Phan Thiết (thành phố Tuyên Quang) tấp nập hơn bình thường. Những chuyến xe chở nông sản từ Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cập về cửa hàng liên tục.

Chủ gian hàng Phúc Thị Hương, cũng là bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang - ngày làm nhiệm vụ chống dịch tại bệnh viện, đêm về lại lụi cụi liên hệ với người dân các thôn Khuôn Khoai, Hợp Long 1, Hợp Long 2 để tổng hợp lại lượng nông sản cần tiêu thụ. Xong việc, lại lên đơn hàng, rồi hỗ trợ vận chuyển nông sản từ cửa hàng đến các điểm tiêu thụ khác trong địa bàn thành phố. May mắn là chị không cô đơn khi đồng hành là những mạnh thường quân khác. Chị Vũ Thị Phúc, ở Hưng Thành, tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, lập một nhóm bán hàng Online để chung tay giải cứu nông sản. Chị Trần Hải Yến, chủ một gian hàng hải sản trên đường Tân Trào cũng đồng hành, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng.

 Chị Dương Thúy Trinh (người đứng giữa) trao quà ủng hộ cho Khu cách ly tập trung ATK Yên Sơn.

Trung bình mỗi ngày, lượng nông sản từ Yên Nguyên chuyển về thành phố lên đến vài tấn. Dưa lê, mướp đắng, đậu đũa, cà pháo, bí xanh thơm, mướp hương, bí đỏ… giá bán chỉ vài nghìn đồng/kg. Chị Phúc Thị Hương không giấu được niềm vui, bảo, trong vòng hơn 1 tuần, cửa hàng mình và các điểm bán hàng khác đã hỗ trợ tiêu thụ trên 20 tấn nông sản cho bà con nông dân Yên Nguyên. Những ngày nhiều lên đến 5-6 tấn, ngày ít cũng hơn 1 tấn.

Ngay sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch bệnh Covid-19 ngày 7-5, chị Vũ Thị Toan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Yên Sơn như đứng ngồi không yên. Thời điểm ấy, Tuyên Quang chưa phát hiện ca mắc nào, nhưng những người đi về từ vùng dịch được cách ly tập trung đã khá nhiều. Chị Toan xin ý kiến lãnh đạo huyện và ngay sau đó, 18 giờ ngày 7-5, đăng những dòng thông tin kêu gọi hỗ trợ đầu tiên lên trang cá nhân để ủng hộ điểm cách ly tập trung tại khu vực Bệnh viện ATK Yên Sơn.

Điểm cách ly tập trung ATK Yên Sơn có hơn 60 người, bao gồm cả người dân và người phục vụ. Đối tượng cách ly cũng đa dạng, từ người lao động về từ vùng dịch, đến bệnh nhân ung thư, rồi cả trẻ em… Chỉ sau một thời gian ngắn đăng tải, hàng hóa từ người dân dồn dập gửi về. Từ nhu yếu phẩm như gạo, mỳ tôm, rau củ quả, thịt, trứng, nước khoáng đến các vật dụng cần thiết như xô, chậu, lược chải đầu; ngay cả thuốc nam, ấm đun thuốc nam, tủ bảo ôn cũng được người dân hỗ trợ cho khu cách ly.

Chị Toan bảo, mọi người ủng hộ gần như chẳng thiếu thứ gì. Phụ nữ nông thôn ủng hộ vài mớ rau ngót, chục quả trứng gà, học sinh Trường bán trú trồng được rau xanh thì ủng hộ rau xanh. Một trong những món quà mà khi nhận chị rất xúc động là của gia đình ông Đặng Hữu Minh, thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn. Đó là 2 kg gạo, được đựng trong chiếc túi nilon không lành lặn nhưng được giặt lại sạch sẽ, ghi rõ họ tên người gửi tặng. Nó giống như một lời động viên từ chính những người dân thường ngày có khi rất tiết kiệm, nhưng khi đất nước cần, họ sẵn sàng ủng hộ, quyên góp từ chính những thứ mình sẵn trong nhà. Hay như khi vào trao tặng 500 chiếc cốc úp mỳ tôm, thì ngay trên đường đi qua xã Phú Thịnh, biết có đoàn xe của nhóm thiện nguyện đi qua, một người phụ nữ đứng đội  nắng, chờ sẵn ở đường để ủng hộ thêm 300 chiếc nữa…

Sau khu cách ly tập trung ATK Yên Sơn, chị Toan tiếp tục kêu gọi vận động ủng hộ nhu yếu phẩm, vật dụng cho chốt kiểm dịch Đội Bình và tới đây sẽ mở rộng ra hỗ trợ các điểm khác, để san sẻ phần nào với những khó khăn, vất vả của tuyến đầu chống dịch trong cái nắng hè 35- 37 độ C.

“Nếu không làm gì, mình không ngủ được”

Chị Dương Thúy Trinh, tổ 16, phường Phan Thiết (thành phố Tuyên Quang) là người có duyên với các hoạt động thiện nguyện. Hai vợ chồng đều làm công việc tự do: Chồng lái taxi, vợ bán hàng ăn, nhưng hễ nghe ở đâu có hoàn cảnh bất hạnh, vợ chồng chị lại đến trực tiếp xác minh, và kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ qua trang cá nhân.

Đợt dịch này, mặc dù cũng là người trực tiếp chịu ảnh hưởng do giãn cách xã hội, đóng cửa các hàng ăn trên địa bàn, nhưng khi đọc những thông tin về các điểm cách ly tập trung cần hỗ trợ thêm các vật dụng cần thiết, chị không “ngồi yên” được. Trinh trực tiếp hỗ trợ 2 triệu đồng và kêu gọi thêm các mạnh thường quân hỗ trợ mua 500 cốc úp mỳ tôm ủng hộ khu cách ly tập trung ATK Yên Sơn. Rồi tiếp tục kêu gọi để hỗ trợ mua thêm tủ bảo ôn, thực phẩm tươi sống ủng hộ khu cách ly này. Sau khu cách ly ở ATK Yên Sơn, Dương Thúy Trinh tiếp tục kêu gọi mọi người hỗ trợ thêm cho khu cách ly tại Điểm trường Cao đẳng Nghề Tuyên Quang. Trinh bảo, những ngày này, cả nước chống dịch, nếu mình không làm gì, thì cảm thấy bứt rứt, không ngủ được. Nó như mệnh lệnh, thôi thúc mình mỗi ngày.

Câu chuyện hỗ trợ, quyên góp ủng hộ vùng dịch giờ đã lan tỏa ra cả cộng đồng. Từ những gia đình nông dân đến các doanh nghiệp, từ người kinh tế khá giả đến những người thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp đều sẵn sàng chung tay san sẻ phần nào với vùng dịch. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đỗ Minh Tân chia sẻ, sự đoàn kết của người Tuyên nói riêng, người Việt nói chung mỗi khi quê hương có biến cố là món quà vô giá, là điểm tựa để chúng ta có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Với sự đồng lòng này, chúng ta tự tin sẽ chiến thắng!

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục