Nghệ nhân của làng

- “Dở hơi”, “vác tù và hàng tổng”, “hâm dở”... là những lời nhận xét của nhiều người trong làng về bà Hoàng Thị Yên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa Cao Lan thôn 14, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang). Không phiền lòng, bà vẫn âm thầm, cần mẫn với công việc khôi phục, bảo tồn từng nét văn hóa riêng có, độc đáo của dân tộc mình, như một món quà để dành cho thế hệ con cháu.

“Không có Sình ca thì không còn người Cao Lan nữa”


Bà Hoàng Thị Yên.

Từng là Trưởng thôn 14, một thôn mà dân tộc Cao Lan chiếm trên 80%, bà Hoàng Thị Yên nhớ lại, suốt cả một thời kỳ đến vài ba thập niên, người làng mải mê với câu chuyện cơm áo gạo tiền mà quên dần những bản sắc riêng có. Không có những buổi hát Sình ca, không có những lễ hội đình làng, càng không mấy người giữ những điệu dân vũ của người dân tộc... Bà xót ruột lắm.

 “- Ơi cô kia đang đứng tựa cột
Sao để chim vào nhà ăn hết thóc?

- Em nhìn thấy lâu nhưng em không nói
Để nó đẻ trứng rồi  mình cùng ăn…”

Lời hát ngày nhỏ bà vẫn được nghe theo bà suốt thời thanh xuân, giờ không còn được nghe nhiều  nữa. Với người Cao Lan, những câu hát Sình ca không chỉ thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa mà còn có những khát vọng về cuộc sống hạnh phúc. Hơn nữa nó còn mang một giá trị nhân văn sâu sắc, phản ánh đầy đủ hiện thực cuộc sống và thế giới tâm hồn của người Cao Lan. Sình ca có thể là các khúc hát ru của mẹ cho con, bà cho cháu. Hát mừng năm mới của làng xóm láng giềng với nhau mỗi độ xuân về. Hát đố, hát giao duyên đối đáp giữa các nam thanh, nữ tú với nhau. Hay là hát trong đám cưới của các vị khách để mừng cho cô dâu, chú rể.

Người Cao Lan mà không có Sình ca, thì không còn hồn cốt của người Cao Lan nữa. Nghĩ vậy, bà tìm đến những người già trong làng. Những cụ ông, cụ bà như Trần Minh Quang, Trần Thị Kiểm, Tiêu Thị Đài... những người giữ vốn sách cổ, thuộc những lời Sình ca cổ, những điệu dân vũ của người Cao Lan, bà “cắp sách” đến học mỗi ngày. Những cuốn sổ dày những lời hát. Những điệu múa cũ được người già nhớ lại từng động tác được bà minh họa cẩn thận.

Không chỉ lời hát, điệu múa, tiếng nói, bà tìm hiểu cả nghệ thuật ẩm thực. Bà bảo, mỗi một ngày rằm, người Cao Lan lại làm một món bánh riêng để thờ cúng tổ tiên. Rằm tháng 3 người Cao Lan cúng tổ tiên bằng món cơm đen nhuộm từ cây lá thau. Rằm tháng 5 là món bánh lẳng, bánh chim gâu. Rằm tháng 7 là bánh gai, cơm xôi xanh nhuộm từ lá gừng. Rằm tháng 8 bà con tụ họp ở đình làng ăn cơm mới. Tết về lại cùng nhau làm bánh gai, bánh mật, bánh bố mẹ, bánh chim gâu… Khôi phục dần từng loại bánh trong mỗi ngày rằm, dịp Tết, dần dà, những món bánh truyền thống của người Cao Lan Kim Phú nổi tiếng khắp trong, ngoài vùng. Mỗi dịp quan trọng, bà Yên lại tự tay lên đồi tìm lá dứa, về đan những chiếc bánh chim gâu, bánh bố mẹ làm quà cho khách phương xa.

11 năm là người có uy tín, cũng từng ấy thời gian giữ chức Trưởng thôn, giờ lại có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ văn hóa Cao Lan, càng thôi thúc bà phải làm một điều gì đó để lưu giữ lại những bản sắc văn hóa của đồng bào mình. Năm 2017, bà đề xuất với Hội Phụ nữ xã thành lập một Câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa Cao Lan gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh. Câu lạc bộ ban đầu chỉ có chưa đầy 40 thành viên. Nhưng sau một năm hoạt động, đã lên đến gần 70 thành viên.

Điệu múa chim gâu của thành viên Câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa Cao Lan thôn 14.

Truyền lửa đến mai sau

Chị Hoàng Thị Hoa, thành viên Câu lạc bộ chia sẻ, những ngày đầu mới hoạt động, anh chị em trong câu lạc bộ phải nghe nhiều lời nhận xét không hay lắm. Nhẹ thì họ mắng mình “vác tù và hàng tổng”, nặng thì họ mắng mình là “hâm dở”. Mới đầu nghe cũng buồn lắm. Nhưng Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoàng Thị Yên bảo, việc của mình là giữ văn hóa cho con em mình, khẳng định mình là người Cao Lan, để văn hóa dân tộc mình không bị mất đi một cách vô nghĩa. Nghe thế, anh chị em trong câu lạc bộ thấy nhẹ nhõm hơn. Ai cũng cố gắng hết mình để cùng với bà Yên giữ lại văn hóa của dân tộc mình.

Cái hay của Câu lạc bộ là không chỉ thu hút người Cao Lan tham gia, mà thu hút được cả những người yêu văn hóa Cao Lan vào cùng sinh hoạt. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 14 Vũ Đức Lợi, người dân tộc Kinh, cười bảo, mới đầu nghe Sình ca, xem múa Chim gâu, múa Xúc tép, Phát nương tra hạt... mình không thích đâu. Nhưng càng tìm hiểu ý nghĩa của từng lời hát, điệu múa, mình càng thấy những ý nghĩa của nó trong cuộc sống thường nhật. Văn hóa Cao Lan ngấm vào mình lúc nào không hay. Giờ thì mình cũng là một trong những thành viên cốt cán rồi.

Cũng như ông Lợi, anh Nguyễn Văn Doanh, một người dân tộc Kinh, ngày ngày đưa vợ đi tập văn nghệ cũng dần bị ngấm vào văn hóa Cao Lan lúc nào không hay. Góc nhìn cuộc sống, cách đối nhân xử thế, tình yêu với lao động sản xuất được người xưa truyền dạy lại cho thế hệ sau một cách nhân văn, nhẹ nhàng mà thấm thía. Giờ những điệu dân vũ như Phát nương tra hạt, Xúc tép, anh Doanh vào vai còn dẻo hơn người Cao Lan nữa...

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoàng Thị Yên không giấu được niềm vui khi chia sẻ, tháng 4 vừa rồi, bà vinh dự là một trong những người có uy tín của thành phố Tuyên Quang được dự và nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị biểu dương người có uy tín và người dân tộc thiểu số lần thứ nhất.

Nhưng đau đáu trong lòng bà bây giờ chính là thành viên trẻ nhất trong câu lạc bộ cũng đã ở lứa tuổi đầu 8X. Bà bảo, tới đây, bà sẽ cùng với những người già trong thôn mở một lớp truyền dạy chữ, tiếng nói và các làn điệu Sình ca, dân vũ cho thế hệ trẻ. Và mong muốn nhất, là có thể đưa văn hóa Cao Lan vào các trường học trên địa bàn xã, vì mục tiêu ban đầu khi thành lập câu lạc bộ, là không để văn hóa Cao Lan bị mai một, mất đi một cách vô nghĩa!.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục